Thị trường bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp nội có “lép vế”?

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được đánh giá là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ đứng thứ 6 toàn cầu, Việt Nam đang hút vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh hàng loạt vụ mua bán, sáp nhập của các nhà đầu tư “ngoại”, thì sự vươn lên của các nhà đầu tư trong nước cho thấy DN bán lẻ “nội” đang có nhiều cơ hội để bứt phá, chiếm lĩnh thị phần.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro. Ảnh: Hải Linh
Doanh nghiệp ngoại mở rộng thị phần
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng qua từng năm. Nếu như năm 2016, doanh thu bán lẻ của Việt Nam là 118 tỷ USD, thì đến năm 2018 con số này đã là 142,8 tỷ USD và năm 2019 đạt doanh thu 162,751 tỷ USD.
Thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển đã thu hút DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư.
Trong lĩnh vực này có thể thấy, các DN FDI tuy ít về số lượng nhưng rất nổi bật và không ngừng tăng trưởng. Doanh thu năm 2018 của các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) của DN FDI đã đạt hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của toàn hệ thống siêu thị trên địa bàn. Không những vậy, các DN FDI còn đang đẩy nhanh việc mua bán, sáp nhập với các DN trong nước. Như Tập đoàn Aeon đã sở hữu 49% cổ phần của hệ thống siêu thị Citimart, đổi tên thành Aeon Citimart. Tập đoàn Central Group đã sở hữu 49% cổ phần tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim và sở hữu 50,5% cổ phần hệ thống siêu thị Lanchi Mart. Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đã sở hữu 49% cổ phần tại hệ thống siêu thị Intimex. Tập đoàn Berli Jucker (Thái-lan) đã mua lại chuỗi hệ thống siêu thị Metro Việt Nam.
Các DN bán lẻ trong nước đang có sự phát triển vượt trội, cụ thể mặc dù chỉ mới hiện diện trên thị trường 4 năm nhưng đến nay hệ thống bán lẻ nội địa Vimart và Vinmart+ của Tập đoàn Vingroup đã có 1.700 siêu thị mini và hơn 100 siêu thị trên 44 tỉnh thành trên toàn quốc và trở thành nhà bán lẻ đứng đầu ở Việt Nam. Các DN bán lẻ khác như Saigon Co.op, Satra cũng đều có những bước phát triển rất đáng khích lệ và lần lượt xếp vị trí thứ 3 và thứ 7 trong top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, thị phần qua kênh bán lẻ hiện đại như TTTM, siêu thị, siêu thị mi-ni… của các DN FDI hiện mới chiếm khoảng 15 - 17% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên toàn địa bàn. Sự thâm nhập của các DN FDI với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm hoạt động đã tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ. Bên cạnh đó, tại Hà Nội còn có khoảng 1.000 DN FDI mở các cơ sở bán lẻ và hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng hóa, gia tăng cạnh tranh đối với cộng đồng DN bán lẻ cả nước cũng như Hà Nội.
Bán lẻ nội vẫn còn dư địa
Việc đổ bộ của các DN FDI vào hệ thống bán lẻ khiến nhiều ý kiến lo ngại rằng hệ thống bán lẻ trong nước đang có nguy cơ bị các DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những diễn biến của xu hướng này và những tác động của nó tới thị trường trong nước trong thời gian qua chưa thực sự "đáng lo ngại".
Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho biết: Hiện tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, thành phần kinh tế FDI hiện chỉ chiếm khoảng 3,5 - 4%. DN FDI chủ yếu tham gia phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại và chiếm khoảng 25 - 30% thị phần, như vậy kênh bán hàng của DN "nội" vẫn chiếm tới 3/4 thị phần bán lẻ

hiện nay.
Thực tiễn cho thấy việc thích nghi và phát triển tại thị trường Việt Nam của các nhà bán lẻ nước ngoài trong thời gian qua không như kỳ vọng ban đầu. Điển hình như hệ thống siêu thị Metro (CHLB Đức), Big C của Casino (Pháp) đã phải bán lại chuỗi siêu thị cho DN Thái Lan nhưng đến nay DN Thái Lan vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hình doanh mà chưa mở mới được siêu thị nào. TTTM Aeon (Nhật Bản) phải chuyển lại 30% cổ phần trong hệ thống 23 siêu thị Fivimart - Aeon cho Vingroup để Vingroup sở hữu 100% hệ thống này. Vừa qua, Saigon Co.op sở hữu chuỗi siêu thị Co.opmart đã mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị của hệ thống Auchan (Pháp)… Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng: Việc DN nội mua lại hệ thống siêu thị ngoại không chỉ giúp mở rộng thị phần thị trường nội địa mà còn giúp mang lại nhiều cơ hội khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết đi vào thực thi. Điều đó cho thấy, dù hệ thống bán lẻ của các DN “nội” chủ yếu chiếm lĩnh ở mô hình siêu thị, cửa hàng tiện lợi… song mô hình này đang khẳng định tính hiệu quả cao, là cơ hội để DN "nội" bứt phá thời gian tới.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông: Trong thời gian tới Việt Nam với dân số đông và lực lượng trẻ chiếm đa số và việc tiếp cận những thành tựu của cuộc CMCN 4.0... là những yếu tố thuận lợi để thị trường bán lẻ tăng trưởng. Đây là cơ hội để DN bán lẻ Việt Nam cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Để đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện mới, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài. Mặt khác, cũng định hướng cho DN hình thành, phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa; hỗ trợ DN cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới để nâng cao sức cạnh tranh, rất cần các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế hỗ trợ cho ngành bán lẻ nội địa; tập trung tháo gỡ những vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng, khuyến khích các tổ chức tài chính cho vay kinh doanh bán lẻ, giảm thuế thu nhập DN.
Các nhà bán lẻ trong nước cần nhanh chóng học hỏi, nắm bắt công nghệ, kinh nghiệm của các DN phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, đồng thời, hoàn thiện các kỹ năng về quản lý, kinh doanh, hoạch định và thực hiện chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển thị trường một cách chuyên nghiệp. Cần tận dụng những lợi thế so với DN FDI như tiềm lực mạng lưới sẵn có, am hiểu thói quen tiêu dùng của người Việt Nam… để có thể cạnh tranh, giữ được thị phần trên sân nhà.
Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu