Hàng tồn kho tăng
Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam nghiên cứu và thống kê thị trường BĐS trong 3 năm gần đây, tỷ lệ căn hộ trên thị trường phát triển theo xu hướng giảm dần, số lượng hàng tồn kho cũng gia tăng đều theo từng năm.
Như vậy, trong năm 2019 thị trường không rơi vào tình trạng thiếu sản phẩm, đặc biệt là dòng sản phẩm thuộc tầng trung, cao cấp phù hợp với tiềm lực tài chính của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, sự đa dạng về cơ cấu sản phẩm cũng mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn.
Thống kê cũng ghi nhận, việc giảm thiểu nguồn cung sẽ mang đến sự cân bằng cho cán cân cung - cầu và tạo ra những tín hiệu tích cực cho quá trình thanh khoản của thị trường, đặc biệt là sự bình ổn về giá.
Từ việc nguồn cung mới bị hạn chế, sẽ khiến cho không có nhiều các sản phẩm mới được tung ra thị trường, nhà đầu tư cũng không cũng nhiều sự lựa chọn, vì vậy muốn đầu tư thì buộc phải cân nhắc việc quay lại với dòng sản phẩm đang tồn đọng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu muốn thanh khoản được sản phẩm thì buộc nhà đầu tư phải có thêm nhiều chính sách khách hàng, như: Quà tặng, chiết khấu... “Vì vậy, có thể khẳng định trong 6 tháng cuối năm 2019 thị trường BĐS trung và cao cấp sẽ không có sự biến động về giá hay nói cách khác với nhiều hơn những chính sách cho khách hàng thì một số sản phẩm sẽ chứng kiến sự giảm giá đôi chút so với thời điểm hiện tại” - ông Nguyễn Minh Ngọc - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) nhận định.
Cũng theo đánh giá, sau khoảng thời gian 6 tháng cuối năm nhà đầu tư cũng phải đẩy mạnh thanh khoản nhằm mục đích thu hồi vốn và chuẩn bị nguồn để đầu tư vào năm kế tiếp, vì vậy khách hàng và nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn cho mình một sản phẩm thích hợp về thiết kế và khả năng tài chính của mình.
Không nên vội vàng “xuống tiền”
Từ đầu năm 2019 đến nay, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018 và đạt mức cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây. Trên thực tế, việc đầu tư mới tăng nhưng chưa giúp cho các sản phẩm mới được tung ra nhiều hơn, theo lý giải do lượng hàng tồn kho còn nhiều, nhà đầu tư cũng hạn chế tăng thêm nguồn cung; ngoài ra, đây cũng là thời điểm quỹ đất tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang... đang bị thiếu hụt nhiều.
Các dự án mới chậm tiến hành do gặp vướng mắc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, mà nguyên nhân xuất phát từ việc kham hiếm quỹ đất khiến giá đất tăng cao, nên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các dự án mới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Minh Ngọc, những chính sách về tài chính BĐS đang có những tác động lớn đối với việc đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp. Hiện nay Chính phủ đang sử dụng 40% nguồn vốn vay ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, trong một thời gian ngắn nữa sẽ giảm xuống còn 30%, đây được coi là một “phép thử” dành cho thị trường, đặc biệt là trong thời điểm giá BĐS đã tăng cao gấp nhiều lần so với mức thu nhập bình quân của người dân.
Việc siết chặt chính sách tín dụng tài chính sẽ buộc các chủ đầu tư phải xây dựng cơ chế mới cho lộ trình phát triển của doanh nghiệp mình, ngoài ra đối với các nhà đầu tư thứ cấp cũng xác định được mức đầu tư hợp lý nhất đối với tiềm lực của mình.
Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo rằng trong thời điểm thị trường khan hiếm nguồn cung cục bộ thì các nhà đầu tư đừng nên vội vã “xuống tiền” bởi đây chính là thời gian thử thách để xem lại hướng đi của thị trường.