Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường bất động sản Hà Nội: Ngưng trệ vì đầu cơ đẩy giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian qua giá bất động sản (BĐS) tại một số khu vực Hà Đông, Từ Liêm bị giới đầu cơ đẩy lên mức giá quá cao khiến giao dịch trở nên ngưng trệ. Điều này làm lỡ việc của những người cần bán và mất cơ hội mua nhà, đất của những người có nhu cầu.

KTĐT - Thời gian qua giá bất động sản (BĐS) tại một số khu vực Hà Đông, Từ Liêm bị giới đầu cơ đẩy lên mức giá quá cao khiến giao dịch trở nên ngưng trệ. Điều này làm lỡ việc của những người cần bán và mất cơ hội mua nhà, đất của những người có nhu cầu.

Theo thông tin từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, khoảng 2 tháng trở lại đây giá BĐS ở một số khu vực như Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn (Hà Đông); khu Kim Chung- Di Trạch (Hoài Đức); Tân Tây Đô, Tân Lập (Đan Phượng)... bị đẩy lên mức rất cao, từ 7- 15 triệu đồng/m². Đặc biệt, đất và nhà chung cư dọc theo đường Lê Văn Lương kéo dài đã được đẩy giá tăng từ 10- 15 triệu/m² đất và tăng từ 7 - 10 triệu đồng/m2 nhà chung cư. Việc tăng giá này đã khiến nhiều người có ý định mua nhà bỏ qua khu vực này.

Tại các dự án vốn được rất nhiều người quan tâm ở huyện Hoài Đức, Đan Phượng như Kim Chung- Di Trạch, Tân Tây Đô, Tân Lập... cũng chuyển sang trạng thái... đợi khách do mức tăng quá cao như: Dự án Splendora từng được rao bán với mức chênh gần 2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thành Trung, GĐ Trung tâm BĐS Hùng Sơn, phố Trường Thành, Hà Nội cho biết: “Tôi trót ôm gần 1.000 m² đất tại những điểm nóng như đường Lê Văn Lương, dự án Splendora... nhưng đến thời điểm này vẫn không bán được. Tôi như ngồi trên đống lửa vì 1 năm rồi vẫn không bán được, lãi suất hàng tháng vẫn phải trả, bây giờ giảm giá mạnh cũng không gặp khách”.

Theo ông Nghiêm Chí Mỳ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Hà Nội, đất tăng giá mạnh là do giới đầu cơ lũng đoạn. Chính việc đẩy giá của họ đã đánh mất khách hàng, tự làm thối chí mình. Hơn nữa, người có nhu cầu mua đất cũng nhìn ra nguồn cung thị trường BĐS khu vực phía Tây trong 1- 2 năm tới nên cung cầu trên thị trường dần được cân bằng”.

TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng: “Thị trường ngưng trệ là do khung pháp lý vẫn để cửa cho đầu cơ. Giám sát sau giao đất của các cơ quan chức năng không đảm bảo, dẫn đến tình trạng “găm hàng”, “làm giá”... Các sắc thuế được kỳ vọng để chống nạn đầu cơ đất đai chưa nhận được sự đồng tình của dư luận dẫn đến thị trường bất ổn”.

Thuế suất thấp sẽ không ngăn được đầu cơ BĐS. Các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này đều cho rằng, thuế phải thật mạnh tay với đầu cơ đất đai mới mong giảm bớt đầu cơ trong lĩnh vực này. Điều này nên học hỏi các nước phát triển với chính sách thuế luỹ tiến. Luỹ tiến thuế nhà đất theo cấp số nhân đối với đầu cơ nhà đất.