Nói một cách hình ảnh thì thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua như bộ phim nhiều tập, nhiều kịch tính thắt-mở. Tuy nhiên, lần “thắt” này có vẻ kéo dài hơn người ta tưởng. Học lại từ vỡ lòng Hãy lấy bối cảnh cho “bộ phim” từ năm 2000-2012, nghĩa là “cậu bé bất động sản” khoảng 12 tuổi. Lúc mới khai sinh, thị trường mới có khoảng 2-3 dự án khu đô thị mới, diện tích văn phòng cũng chỉ chiếm khoảng 1/12 so với bây giờ. Sinh sau đẻ muộn trong số các ngành nghề trong đại gia đình kinh tế Việt Nam, nên “cậu” được săn sóc và lớn nhanh như thổi. Cậu được bố mẹ (nhà nước, tổ chức cũng như các cá nhân đầu tư) và các anh chị (từ xăng dầu, điện lực, lâm nghiệp…) đặt nhiều kỳ vọng.
Ảnh minh họa.
Thời học “vỡ lòng,” cậu tỏ ra hết sức lanh lợi, luôn đứng đầu so với các bạn cùng trang lứa - cứ xây, cứ mua là lãi. May mắn nối tiếp may mắn! Năm 2007, đất nước gia nhập WTO, bất động sản đương nhiên được chú ý nhiều nhất, bởi ngoài các họ hàng gần, giờ đây còn có thêm đông đảo “láng giềng xa” để mắt săn sóc cậu. Tuy nhiên, vài năm sau cậu có quá nhiều chương trình phải học. Các “bài toán” phải làm không chỉ dừng lại ở các phép tính cộng, trừ, nhân, chia thông thường, mà còn bao gồm cả phân tích, đánh giá, dự báo… Cậu bắt đầu cảm thấy khó khăn, trong khi niềm tin của những người xung quanh vào cậu không hề vơi đi mà càng ngày càng chất ngất. Ngày qua ngày, việc phải đến đã đến. Khi những khó khăn đã quá tầm kiểm soát, cậu bé bất động sản trở thành nguyên nhân gây giảm sút thành tích chung, thậm chí liên lụy đến các ngành nghề khác. Sau nhiều năm loay hoay với những giải pháp để cứu bất động sản, giờ đây điều quan trọng là tất cả đã hiểu ở một mức độ nhất định, rằng con đường đi đến thành công không hề bằng phẳng và không thể thiếu hành trang là những bài học cơ bản, óc phân tích, suy đoán và đặc biệt là kinh nghiệm tích lũy. Kết thúc bộ phim, như trong các bộ phim Hollywood, sẽ là có hậu: cậu bé học ngày học đêm, bổ túc những kiến thức cơ bản, vừa học vừa hành và rồi sẽ trở thành một chàng trai mạnh mẽ, có sự nghiệp riêng. Không để mất tinh thần Giống như mọi cá nhân trong học tập cũng như công việc, ai cũng từng có sai lầm, thất bại; điều khó khăn nhất luôn là thừa nhận mình đã sai và không mất tinh thần. Trong suốt quá trình tư vấn cho khách hàng, chúng tôi luôn phải đối diện với hai trạng thái đối nghịch: hoặc quá phấn khích như cậu bé nêu trên ở giai đoạn đầu hoặc quá buồn bã ở giai đoạn tiếp theo. Tư vấn trong giai đoạn 2011-2012 không chỉ đơn giản là tính toán, phân tích thị trường mà quan trọng hơn là phải khích lệ được tinh thần kinh doanh của chủ đầu tư. Thường có hai luận điểm cơ bản được sử dụng để làm điều đó. Thứ nhất – thị trường thật rộng lớn và còn nhiều việc phải làm. Thật vậy, thị trường Việt Nam với dân số gần 90 triệu người, tốc độ tăng trưởng đô thị 3,4%/năm. Số dân sử dụng nhà ở căn hộ mới chỉ khoảng 4,19% trên cả nước, khoảng 16% ở Hà Nội và 6% ở Thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích siêu thị bình quân đầu người là 0,1m2/người, thấp hơn 6-8 lần so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thứ hai – khủng hoảng là một phần tất yếu của phát triển. Khi làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, đề cập đến khủng hoảng, chúng tôi luôn nhận được câu trả lời ở đâu cũng có và thời nào cũng có. Nhiều người còn cho biết thêm, họ trở thành triệu phú không phải là một lần mà… nhiều lần! Có nghĩa là trở thành triệu phú, rồi trắng tay, rồi lại thành triệu phú. Vì thế, cách trở thành triệu phú mới thực sự quan trọng. Cá nhân tôi cũng đã rất ngạc nhiên vì những lời khuyên này. …và hồi sinh Với việc điều chỉnh thị trường quyết liệt như năm 2012, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng phục hồi để phát triển bền vững. Giá bình quân trên thị trường căn hộ để bán đã giảm 27% so với mức giá bình quân năm 2009. Nếu xét theo từng hạng thì giá hạng A giảm 2%, B giảm 6% và C giảm 5% so với giá của năm 2011. Cũng theo giả sử nêu trên, các thành phần trong thị trường trước khi triển khai đầu tư hay mua sản phẩm của dự án đều đã có những kinh nghiệm nhất định trong việc “đọc” thị trường và phân tích tính khả thi của dự án. Trong 2 tuần cuối tháng 12/2012, tôi có buổi làm việc với hai khách hàng. Yêu cầu của họ đã khiến tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự hồi sinh của thị trường. Lâu lắm tôi mới nhận được những yêu cầu như vậy: phân tích, dự báo và chỉ ra sản phẩm phù hợp từ 2015 đến 2030! Bất kể thị trường như thế nào, hai dự án này có thể coi như hai phông toan trắng tinh đang chờ những nét vẽ của tôi và chủ đầu tư trên đó. Tương tự như việc cậu bé bất động sản chấp nhận học hành tử tế để vượt qua kỳ thi khó. Với tôi, như vậy là thị trường đã hồi sinh./.