Thị trường giảm sút
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), trong 6 tháng đầu năm 2019, TP Hồ Chí Minh chỉ có 03 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích chỉ có 2,2 ha và 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Sở này cũng đã đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (giảm 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018; Trong 06 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ (căn nhà), giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8% (2.227 căn so với 3.965 căn cùng kỳ năm 2018); căn hộ bình dân giảm 34,7% (1.249 căn so với 1.914 căn cùng kỳ năm 2018).
Sự giảm sút của thị trường BĐS đã có tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, năm 2018, thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu, giảm khoảng 4.570 tỷ đồng (giảm 16,8%) so với năm 2017; Số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng (giảm 22,5%). Trong 06 tháng đầu năm 2019 kết quả thu chưa đạt 50% kế hoạch. Số thu tiền sử dụng đất trong 05 tháng đầu năm 2019 giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, việc Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế một phần nguồn vốn tín dụng. Ngoài việc mở rộng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài (vốn FDI), hoặc tìm kiếm nguồn vốn trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp bất động sản đang lựa chọn giải pháp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bổ sung vốn.
“Các doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều rủi ro, như: rủi ro về pháp lý, rủi ro về tài chính và tín dụng, Rủi ro về uy tín thương hiệu của doanh nghiệp và bỏ lỡ cơ hội kinh doanh” - ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Kéo dài lộ trình giảm các khoản vay
Cũng theo đại diện của HoREA, để khắc phục những khó khăn, tạo điều kiện cho thị trường tiếp tục phát triển, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến thủ tục hành chính, thì chính sách về tín dụng được coi là vấn đề cốt lõi và cần phải kéo dài lộ trình đối với các khoản tín dụng cho BĐS. Cụ thể:
Đối với khách hàng cá nhân, Dự thảo Thông tư quy định khoản vay từ 3 tỷ đồng trở lên chịu hệ số rủi ro 150% kể từ ngày Thông tư (mới) có hiệu lực. HoREA đề nghị có lộ trình thực hiện mềm dẻo hơn để tránh gây sốc cho thị trường; đề nghị áp dụng hệ số rủi ro khoảng 120% đối với khoản vay từ 3 tỷ đồng trở lên từ nay đến hết ngày 31/12/2020; 130% kể từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021; 140% kể từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 30/06/2022; 150% kể từ ngày 01/07/2022.
Đối với việc sử dụng nguồn ngân sách ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, được quy định tại Khoản 5 Điều 16 Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN, như sau: " Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình sau đây: Từ nay đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020: 40%; Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021: 37%; Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022: 34%; d) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022: 30%.