Chỉ đi xem chứ không giao dịch
Tình trạng ế ẩm kéo dài trong suốt mấy tháng qua đã khiến nhiều trung tâm, văn phòng nhà đất rơi vào cảnh "chợ chiều". Mới đây, một văn phòng nhà đất tại phố Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) đã phải tạm thời đóng cửa vì không có khách mua. Đây chỉ là một trong số cả trăm văn phòng nhà đất đã phải tạm đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, chờ diễn biến tốt lên từ phía thị trường. Qua khảo sát, trên dọc tuyến đường Lê Trọng Tấn kéo dài có khoảng 30 trung tâm nhà đất, nhưng có tới chục điểm "cửa đóng then cài". Ngay như tại buổi khảo sát ngày 19/8, dọc tuyến đường, từ địa phận huyện Từ Liêm đến huyện Phúc Thọ, có rất nhiều văn phòng nhà đất rơi vào tình cảnh tương tự nêu trên. Hoặc mở cửa, cũng rất ít khách đến giao dịch.
Một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện Phúc Thọ cho hay, trước đây, khoảng tháng 4, tháng 5 năm 2010 - thời kỳ nhà đất lên cơn sốt, Văn phòng đăng ký đất, nhà của huyện giải quyết nhiều hồ sơ giao dịch về đất đai, nhưng từ đầu năm đến nay, số lượng giảm trông thấy. Giá đất hiện tại mặt đường thị trấn Phúc Thọ giữ ở mức khoảng 30 triệu đồng/m2. Nhưng cũng rất ít giao dịch.
Không chỉ ở huyện này, mà các khu vực khác là "điểm nóng" của năm 2010, như Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm cũng vậy. Dù giá bất động sản khu vực này liên tiếp giảm, nhưng vẫn ít giao dịch diễn ra. Nhân viên một văn phòng nhà đất, đóng tại khu vực thị trấn Hoài Đức cho hay, hiện vẫn chưa thấy biểu hiện tích cực nào cho thị trường BĐS. So với vài tháng trước, số lượng khách hàng đi xem một số dự án tại Vân Canh, Hoài Đức hay làng Việt kiều châu Âu đã nhiều hơn, nhưng khách chỉ đi xem chứ không giao dịch.
Khách hàng được coi trọng
Đại diện Tập đoàn BĐS Colliers International Việt Nam nhận định, để tháo "quả bom" BĐS cần phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bởi từ trước đến nay, khoảng 80% giao dịch BĐS là từ các nhà đầu tư, chỉ có một phần rất nhỏ là nhu cầu ở thực sự, do vậy nguồn vốn vay ngân hàng để làm khơi thông thị trường BĐS là yếu tố số một.
Tuy nhiên, tại hội thảo tổ chức ngày 26/8 vừa qua, ông Trần Đinh Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, với mục tiêu chống lạm phát đặt lên hàng đầu, Chính phủ không nên nới lỏng tín dụng cho BĐS. "Nới lỏng tín dụng tức là phát ra tín hiệu thay đổi mục tiêu, đồng nghĩa với việc chống lạm phát giảm đi. Trước mắt cần hy sinh lợi ích ngắn hạn của doanh nghiệp để nghĩ đến vận mệnh của đất nước" - ông Thiên nhấn mạnh.
Điều dễ nhận thấy, sau khi thị trường BĐS bị thắt chặt tín dụng, thị trường đã thuộc về người mua. Giá nhà đất giảm từng nấc, chủ đầu tư chăm sóc khách hàng tốt hơn. Rõ ràng, đây là thời điểm thanh lọc giữa người mua và người bán ở phân khúc từ trung đến cao cấp. Chỉ khi chủ đầu tư có cam kết về tiến độ dự án, chất lượng công trình, hạ tầng kỹ thuật… mới có thể làm cho người mua những phân khúc này mở hầu bao.
Nhìn nhận ở góc độ khách hàng, rất nhiều chuyên gia cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS buộc phải tăng mãi lực và cải thiện hoạt động kinh doanh với nhiều "chiêu" như: Công khai thông tin dự án, tăng cường thông tin minh bạch, cam kết bàn giao nhà đúng dự kiến… Thậm chí, một số doanh nghiệp đã phải tái cơ cấu danh mục đầu tư bằng cách chuyển nhượng dự án để sản sinh ra tiền đầu tư vào những dự án còn đang dở dang, làm tăng thêm nguồn cung vào thị trường. Cùng với đó, để thu hút vốn, các chủ đầu tư buộc phải chăm sóc khách hàng đặc biệt hơn, mở nhiều hình thức khuyến mãi hơn.
Liệu đây có phải là thời điểm cho những người có nhu cầu mua nhà thực sự hay chưa, còn khó khẳng định. Song, dù thế nào, giá BĐS giảm thêm một nấc, người có nhu cầu thực lại tiệm cận gần hơn với giá trị thực của sản phẩm.
Dự báo, để thị trường BĐS Hà Nội sôi động trở lại, tối thiểu cũng phải 4 - 5 năm nữa, vì vướng mắc nhất hiện nay là nguồn vốn mà điều này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tín dụng ngân hàng. |