Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường bất động sản với “6+”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như vào thời điểm này của năm 2014, thị trường bất động sản (BĐS) mới chỉ đạt được 5 “điểm cộng” thì năm nay, “điểm cộng” đã là 6.

Khách hàng tìm hiểu thông tin dự án nhà ở cao cấp tại Hội chợ bất động sản 2015.	 Ảnh: Phạm Hùng
Khách hàng tìm hiểu thông tin dự án nhà ở cao cấp tại Hội chợ bất động sản 2015. Ảnh: Phạm Hùng
Việc thực hiện đồng bộ, kiên định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội (NƠXH) tiếp tục đạt được những kết quả rất quan trọng. Thị trường BĐS đã và đang hồi phục tích cực, thể hiện qua 6 yếu tố: Giá cả ổn định; Thanh khoản tăng; Cơ cấu hàng hóa được điều chỉnh hợp lý hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường; Tồn kho BĐS liên tục giảm mạnh; Tín dụng trong lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng trưởng, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống. 5 yếu tố nêu trên là những điểm tích cực của thị trường BĐS được tiếp nối từ năm 2014. Đặc biệt hơn cả, nếu như tại thời điểm này của năm 2014, tốc độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ NƠXH vẫn còn bị phàn nàn vì quá chậm thì đến cuối tháng 11/2015, tốc độ giải ngân đã tăng mạnh.

Tồn kho tiếp tục giảm

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến ngày 20/11/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 53.245 tỷ đồng, so với quý I/2013 giảm 75.303 tỷ đồng (giảm 58,58%); so với tháng 12/2013 giảm 41.213 tỷ đồng (giảm 43,63%); so với thời điểm 20/10/2015 giảm 3.041 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tồn kho trên địa bàn Hà Nội khoảng 7.027 tỷ đồng, so với quý I/2013 giảm 10.033 tỷ đồng (giảm 58,81%); so với tháng 12/2013 giảm 5.943 tỷ đồng (giảm 45,82%), so với 20/10/2015 giảm 274 tỷ đồng. Bao gồm, tồn kho căn hộ chung cư là 436 căn (tương đương 487 tỷ đồng); tồn kho nhà thấp tầng còn 2.226 căn (tương đương 6.540 tỷ đồng). Tại TP Hồ Chí Minh, tổng giá trị tồn kho khoảng 10.542 tỷ đồng, so với quý I/2013 giảm 18.200 tỷ đồng (giảm 63,32%); so với tháng 12/2013 giảm 6.927 tỷ đồng (giảm 39,65%); so với 20/10/2015 giảm 256 tỷ đồng). Bao gồm, tồn kho phân khúc chung cư là 4.435 căn (tương đương 7.550 tỷ đồng); với nhà thấp tầng là 483 căn (tương đương 1.352 tỷ đồng); với đất nền nhà ở là 264.629m2 (tương đương 1.203 tỷ đồng); với đất nền thương mại là 34.318m2 (tương đương 437 tỷ đồng).

Cùng với việc tồn kho giảm, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS tính đến 30/9/2015 đạt 358.156 tỷ đồng, tăng 14,6% so với thời điểm 31/12/2014 và tăng 1,36% so với thời điểm 31/8/2015.

Giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tăng nhanh

Điểm đáng chú ý của những tháng cuối năm 2015 là kết quả giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tính đến ngày 31/10/2015 đã tăng nhanh so với thời kỳ đầu mới thực hiện. Tính đến cuối tháng 11/2015, tổng số tiền đã cam kết là 21.518 tỷ đồng (đạt 72%), đã giải ngân 13.499 tỷ đồng (đạt 45%) bao gồm cả cho vay mua NƠXH, mua nhà ở thương mại và cải tạo, xây mới nhà ở.

Riêng tại TP Hà Nội đã cam kết cho vay 13.557 hộ, với số tiền 6.560 tỷ đồng. Đã giải ngân cho 13.555 hộ với số tiền 4.486 tỷ đồng, 6.023 hộ mua NƠXH với dư nợ 1.790 tỷ đồng, 7.468 hộ mua nhà ở thương mại với dư nợ 2.667 tỷ đồng, 64 hộ vay để cải tạo, xây dựng nhà ở với số tiền 29 tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, đã cam kết cho vay 7.491 hộ, với số tiền 4.198 tỷ đồng. Đã giải ngân cho 7.491 hộ với số tiền 2.371 tỷ đồng, 1.879 hộ mua NƠXH với số tiền 567 tỷ đồng, 5.538 hộ mua nhà ở thương mại với số tiền 1.775 tỷ đồng, 74 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền 30 tỷ đồng. Đối với tổ chức, trong số 56 dự án được cam kết cho vay, đến nay đã giải ngân cho 53 dự án, dư nợ là 3.427 tỷ đồng, TP Hà Nội có 15 dự án với dư nợ là 1.447 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh có 9 dự án với dư nợ là 956 tỷ đồng.

Trên cơ sở những số liệu về phát triển NƠXH cũng như cho vay gói 30.000 tỷ đồng, TP Hà Nội tiếp tục khẳng định là địa phương đi đầu trong phát triển NƠXH với số lượng dự án, căn hộ lớn nhất cả nước. Tuy tốc độ phát triển quỹ NƠXH chưa đạt yêu cầu đề ra của Chương trình phát triển nhà ở TP nhưng các dự án cũng đã “ra hàng” khá đều đặn, đặc biệt là vào những tháng cuối năm.
Tăng trưởng ngoạn mục nhưng bền vững
Từ đầu năm 2014 đến nay, thị trường BĐS đã có sự tăng trưởng trở lại rất ngoạn mục. Cụ thể năm 2014, tính riêng giao dịch tại thị trường BĐS Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có 24.000 giao dịch chính thức, thông qua sàn. Con số này tăng trưởng gần gấp đôi so với năm 2013. Nhưng chỉ đến hết tháng 10/2015, con số này đã lên đến trên 32.000 giao dịch. Dự kiến, cả năm có thể có gần 40.000 giao dịch thông qua sàn. Sự tăng trưởng giao dịch rất rõ ràng thể hiện sự phục hồi, lấy lại lòng tin của người dân đối với thị trường BĐS.
Một đặc điểm cần lưu ý đó là cơ cấu hàng hóa giao dịch không như mấy năm trước chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ, NƠXH. Từ cuối năm 2014 đến nay, các giao dịch đã lan sang cả phân khúc chung cư cao cấp với mức giá 35 - 40 triệu đồng/m2, thậm chí còn cao hơn. Một cái được phải kể đến của thị trường BĐS năm 2015 đó là, mặc dù giao dịch tăng trưởng mạnh nhưng giá cả lại ổn định. Trừ những dự án có vị trí đẹp thì giá tăng từ 1 - 3%, còn nhìn chung mức giá ổn định, phù hợp với khả năng thanh toán của người dân với sự hỗ trợ từ phía ngân hàng, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng... Nhìn chung, trong thời gian tới, thị trường BĐS sẽ tiếp tục ở xu thế bền vững, vừa giữ vai trò là tác nhân đóng góp vai trò cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của đất nước.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam