Ngày 13/10, tại Cần Thơ, Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ đã tổ chức hội thảo về tiếp cận và định hướng nguồn vốn cho thị trường bất động sản (BĐS). Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thị trường BĐS trong nước đang đói vốn, mặc dù các ngân hàng thương mại đã có chính sách nới rộng và hạ lãi suất cho vay đối với BĐS, nhưng doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn gặp khó trong việc tiếp cận được nguồn vốn.
Ảnh minh hoạ.
Nhận định thị trường BĐS trong năm 2012, nhiều ý kiến cho rằng, hai khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp BĐS lúc này là chính là cung ứng nguôn vốn và thị trường giảm sút. Chẳng hạn, năm 2012, thị trường căn hộ TP. Hồ Chí Minh có số căn hộ hoàn thành thấp hơn nhiều so với năm 2010 – 2011, giúp thu hẹp cung – cầu. Tuy vậy, lượng tồn căn hộ ở TP. Hồ Chí Minh hiện còn rất lớn. Tổng cung quý 3 đã tăng gần 3.000 căn so với quý 2 năm 2012. Mặc dù thị trường BĐS gặp khó, nhưng các chủ đầu tư vẫn cố gắng hoàn thiện dự án để tăng khả năng bán. Theo đánh giá, hiện thị trường BĐS trong cả nước đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay. Tồn kho tăng mạnh, chi phí lãi, nhu cầu thị trường sụt giảm là những khó khăn mà các doanh nghiệp BĐS hiện nay đang phải đối mặt. Nguyên nhân được hội thảo đưa ra là do đền bù dở dang, công trình dở dang, dự án dở dang; giá giảm, sức mua giảm; tồn kho tăng, tăng nợ… Nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số chính sách tiền tệ như điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, nới lỏng hạn chế cho vay ở một số lĩnh vực kể cả kinh doanh BĐS. Nhưng các giải pháp trên chưa thực sự có tác động tích cực vì độ trễ của chính sách khi thực hiện trong thực tế. Qua khảo sát hơn 70 doanh nghiệp BĐS niêm yết, giá trị tồn kho cuối quý 2/2012 đạt 70.405 tỷ đồng, chiếm 70 – 90% tổng tài sản. Nợ vay khoảng 70.000 tỷ đồng và chi phí lãi mỗi năm là 14.000 tỷ đồng. Ước tính trong năm 2012, nợ đến hạn và lãi vay khoảng 40.000 tỷ đồng, trong khi lượng tiền trả nợ chỉ còn khoảng 1/4. Nhận định thị trường BĐS trong thời gian tới, nhiều ý kiến lạc quan khẳng định thị trường BĐS sẽ ấm lên trong những tháng cuối năm 2012 do ngân hàng phải bán BĐS để xử lý nợ tạo hiệu ứng giảm giá, tăng cung; đồng thời lượng cung tăng mạnh tiếp tục kéo giá giảm. Bên cạnh đó, nhiều khả năng trong những tháng cuối 2012 thị trường BĐS sẽ sáng lên do vốn đầu tư nước ngoài vào BĐS khá tốt; giải ngân vốn FDI trong 9 tháng năm 2012 đạt khoản 8,1 tỷ USD, bằng 98,8% cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn BĐS hơn 1,8 tỷ USD, tăng khoảng 80 triệu USD so với tháng 8/2012, đứng thứ 2 trong các ngành thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng giảm, các kênh đầu tư đang suy giảm và rủi ro có thể tạo xu thế đầu tư mua nhà cho thuê tăng. Nhằm giúp thị trường bất động sản khởi sắc trở lại và phát triển ổn định, nhiều đại biểu cho rằng cần phải có rất nhiều những giải pháp có tính vĩ mô và lâu dài; giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng cách tiếp cận các nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng,; đặc biệt là cách thức tiếp cận gói cho vay ưu đãi của các ngân hàng cho BĐS.