Kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp Mỹ đã giúp thị trường chứng khoán nước này hồi phục trở lại. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch ở mức thấp do nhà đầu tư vẫn lo lắng về thị trường trái phiếu châu Âu. Hôm qua, tập đoàn dược Merck nâng cổ tức thêm 11% lần đầu tiên từ năm 2004, trong khi hãng công nghệ Cisco công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng. Kết quả kinh doanh khả quan của Merck và Cisco cho thấy các công ty Mỹ vẫn đang làm ăn tốt bất kể tình hình châu Âu đang có nhiều vấn đề. Bên cạnh yếu tố lợi nhuận doanh nghiệp, thị trường cũng nhận được sự hỗ trợ từ báo cáo việc làm cho thấy số người lần đầu xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4. Thâm hụt thương mại tháng 9 cũng giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 12/2010. Về tin châu Âu, việc lợi suất trái phiếu chính phủ của Pháp bất ngờ tăng vọt, nhưng xuất phát từ tin nước này bị hạ bậc tín nhiệm nợ. Tổ chức định mức tín dụng S&P đã lên tiếng khẳng định đây là lỗi kỹ thuật và khẳng định lại xếp hạng tín nhiệm nợ của Pháp, đồng thời đã bắt tay vào điều tra nguyên nhân. Trong khi đó, hôm qua, Tổng thống Italy Giorgio Napolitano đã lên tiếng khẳng định nước ông có khả năng trả khoản nợ khổng lồ. Cùng ngày, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông Lucas Papademos, đã được chỉ định làm thủ tướng tạm quyền của Hy Lạp. Những thông tin trên đã giúp giới đầu cơ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ bình tĩnh trở lại. Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của nhà đầu tư trên Phố Wall đã giảm được 9,2%. Tuy vậy, kể từ đầu tuần tới nay, chỉ số này hiện vẫn đang có mức tăng là 9%. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 112,92 điểm, tương ứng 0,96%, lên chốt ở 11.893,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng được 10,60 điểm, tương ứng 0,86%, lên 1.239,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 3,5 điểm, tương ứng 0,13%, lên mốc 2.625,15 điểm. Khối lượng chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq đạt khoảng 7,3 tỷ cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức giao dịch trung bình hàng ngày 8,47 tỷ cổ phiếu trong năm 2010. Tỷ lệ cổ phiếu tăng/ giảm ở sàn New York là 2/1 Không lạc quan như thị trường Mỹ, các sàn chứng khoán châu Âu tăng giảm trái chiều đêm qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,28% xuống 5.444,82 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 0,34% xuống mức 3.064,84 điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng 0,66% lên mức 5.867,81 điểm. Trước đó, các thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương giảm mạnh nhất trong 7 tuần, sau khi có tin cho biết lượng đơn đặt hàng máy móc của Nhật Bản sụt giảm, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại và những lo ngại về tình hình châu Âu do những bất ổn tại Italy. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 3,4% xuống 115,95 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 22/9. Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông bốc hơi trên 1.000 điểm, tương ứng hơn 5%, xuống vùng 18.963,90 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 4,94%. Chỉ số Taiex của Đài Loan hạ mạnh 3,35% xuống còn 7.308,68 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm 2,91%, xuống 8.500,80 điểm. Chỉ số Straits Times của Singapore hạ 2,51% xuống còn 2.786,90 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc 1,8% xuống 2.479,54 điểm.