Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường chứng khoán đang cảnh chợ chiều?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hủy niêm yết và khó khăn trong huy động vốn là hai nét nổi bật trong kết quả sơ kết 6 tháng đầu năm của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Động lực hấp dẫn chính cũng như chức năng chủ yếu của thị trường không còn, đang đẩy chứng khoán vào cảnh chợ chiều.

Nhìn trên trang web của Ủy ban Chứng khoán (UBCK), phần lớn các thông báo về hồ sơ huy động vốn của cơ quan này nhận được từ DN đều ở dạng phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động, chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng, một số ít DN phát hành riêng lẻ. Gần như không có trường hợp nào phát hành cổ phiếu ra công chúng. Trên thực tế, việc tăng vốn như vậy không giúp DN thu thêm vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, vì tiền mới không chảy vào thị trường mà chỉ là điều chuyển kỹ thuật về mặt hạch toán sổ sách.

Thị trường chứng khoán đang cảnh chợ chiều? - Ảnh 1
 
Nhà đầu tư theo dõi biến động thị trường tại Công ty CP chứng khoán Hà Nội.Ảnh: Hùng Việt
 
 
DN có nhu cầu tăng vốn cho sản xuất, kinh doanh hay không? Câu trả lời là có và rất lớn, vì huy động được từ cổ đông, DN sẽ giảm bớt áp lực lãi vay ngân hàng và đó là nguồn vốn trung, dài hạn. Tuy nhiên, diễn biến trên TTCK và niềm tin sụt giảm mạnh ở thị trường này khiến việc huy động vốn trở thành nan giải. 
 
Về mặt lý thuyết, DN muốn phát hành ra công chúng phải đáp ứng nhiều điều kiện khá khắt khe về hoạt động hiệu quả, đồng thời cổ phiếu phải có thị giá cao. Tuy nhiên, thời gian kể từ khi nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phiếu đến lúc cổ phiếu mới được niêm yết bổ sung để cổ đông có thể bán ra trên thị trường thứ cấp rất dài, có thể tới nửa năm hoặc hơn, biến động giá cổ phiếu do đó khó lường... Đây chính là lý do dù cổ phiếu có thị giá cao nhưng cổ đông hiện hữu không mấy hào hứng việc bỏ thêm tiền.
 
Trong khi đó, số lượng cổ phiếu có giá thấp dưới mệnh giá đang chiếm tỷ lệ rất lớn trên 2 sàn. Về mặt quy định pháp luật, những DN này đều không thể phát hành thêm cổ phiếu vì vướng Luật DN.
 
6 tháng qua số lượng DN hủy niêm yết  lên tới 21 DN, bằng cả năm 2012. Nguyên nhân dẫn tới việc này có nhiều, trong đó chủ yếu là do DN thua lỗ, giải thể công ty hoặc hủy niêm yết tự nguyện. Tổng Giám đốc một DN quy mô khá lớn ví von: Hiện nay việc niêm yết trên TTCK như cưỡi lưng hổ. Để cổ phiếu trên sàn vừa chịu nhiều quy định ràng buộc về công bố thông tin, lại mệt mỏi khi chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm quá mạnh so với giá trị thực. Nhưng nếu hủy niêm yết lại e cổ đông phản đối và thương hiệu bị ảnh hưởng… Những DN yếu kém bị buộc phải hủy niêm yết là cuộc thanh lọc cho thị trường nhưng việc những DN lớn, làm ăn hiệu quả quyết định rời sàn đang đặt ra câu hỏi đối với các cơ quan quản lý để duy trì sự hấp dẫn của thị trường tài chính bậc cao này.