KTĐT - Các chỉ số chính tăng điểm trong phần lớn thời gian giao dịch. Cụ thể, chốt ngày, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 54,64 điểm (+0,43%) lên 12.638,81 điểm.
Việc thị trường lao động tháng 4 của Mỹ khởi sắc ngoài dự kiến đã giúp các cổ phiếu bật dậy mạnh mẽ trong phiên giao dịch cuối tuần (6/5), chấm dứt chuỗi ngày giảm điểm liên tiếp vừa qua.
Các chỉ số chính tăng điểm trong phần lớn thời gian giao dịch. Cụ thể, chốt ngày, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 54,64 điểm (+0,43%) lên 12.638,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 5,1 điểm (+0,38%) lên 1.340,2 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 12,84 điểm (+0,46%) lên 2.827,56 điểm.
Số cổ phiếu tăng điểm vượt trội hơn số giảm điểm trên sàn New York với tỷ lệ 2/1, còn ở sàn Nasdaq, cứ ba cổ phiếu lên điểm thì có 2 mã giảm điểm. Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn Phố Wall tiếp tục tăng 1,1% lên 18,4 điểm, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 28/3.
Khoảng 8,24 tỷ cổ phiếu đã được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức giao dịch trung bình hàng ngày 8,47 tỷ cổ phiếu được ghi nhận trong năm 2010, nhưng vượt xa mức trung bình hàng ngày từ đầu năm tới nay.
Tuy nhiên, do đà giảm quá mạnh 4 phiên liên tiếp vừa qua, nên tính chung cả tuần, thị trường Mỹ rớt hơn 1%. Trong đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,3%, chỉ số S&P 500 hạ 1,7% và chỉ số Nasdaq trượt 1,6%.
Đáng chú ý, S&P vẫn duy trì trên các ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng, cho thấy sự sụt giảm trong tuần này có thể là bước chuẩn bị cho đợt tăng mạnh sắp tới, trái ngược với cảnh rớt thảm hại của các thị trường dầu thô và kim loại bạc.
"Thị trường chứng khoán đang cố đứng vững trên đôi chân của chính nó", Nick Kalivas, chuyên gia phân tích chỉ số chứng khoán cao cấp thuộc hãng MF Global ở Chicago (Mỹ) nói. "Tin doanh nghiệp rất mạnh và cổ phiếu có vẻ hấp dẫn hơn nhiều so với các loại hàng hóa khác".
Trên thực tế, góp phần vào sự bật dậy của Phố Wall trong phiên 6/5, chủ yếu là từ báo cáo việc làm tháng 4 lạc quan hơn nhiều so với dự báo, theo Brian Jacobsen, chiến lược gia thuộc hãng quản lý quỹ Wells Fargo ở Wisconsin nhận xét. Số liệu cho thấy mức tăng 244.000 việc làm, cao nhất trong 11 tháng.
Tuy vậy, đà tăng của các chỉ số bị cản bước sau khi tạp chí Spiegel của Đức dẫn một báo cáo (sau đó đã bị bác bỏ) cho biết, ngày càng có khả năng Hy Lạp sẽ rời bỏ Khu vực đồng Euro. Điều này ít nhiều đã khiến tâm lý nhà đầu tư bị xáo trộn.
Khu vực chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm mạnh mẽ. Chỉ số FTSE 100 của Anh tiến 0,96% lên 5.976,77 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp cộng 1,33% lên 4.058,01 điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng vọt 1,56% lên 7.492,25 điểm.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á hứng chịu lực xả hàng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần do nhà đầu tư xa lánh các tài sản rủi ro. Thị trường Nhật Bản hoạt động trở lại sau ba ngày nghỉ lễ đã giảm điểm sâu nhất kể từ ngày 12/4.
Việc giá cả các loại hàng hóa như dầu thô, vàng, bạc, bạch kim, palladium tuột dốc không phanh đã đẩy giá trị nhóm cổ phiếu tài nguyên xuống mức thấp, trong khi lại nâng giá trị đồng Yên, tác động xấu đến nhóm cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu.
Thị trường Trung Quốc chốt phiên ở mức thấp nhất trong hơn 2 tháng, do sự đi xuống của nhóm cổ phiếu năng lượng. Các sàn chứng khoán Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore cũng không khá hơn, với mức giảm lần lượt là 1,52%, 0,44%, 0,46% và 0,33%.