Theo giới phân tích, thị trường thực sự đang lo lắng về những diễn biến tiếp theo trong mùa công bố doanh thu, lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp nước này.
Đêm 10/10 tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall nhuộm trong sắc đỏ khi các nhà đầu tư thận trọng trước tuyên bố của hãng sản xuất nhôm lớn nhất thế giới Alcoa rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã làm tiêu thụ nhôm sụt giảm, trong khi hãng Chevron hạ thấp triển vọng lợi nhuận của hãng này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Cổ phiếu Chevron giảm tới 4,2% xuống 112,45 USD sau khi hãng này dự báo lợi nhuận quý 3 sẽ thấp hơn quý liền trước một cách rõ rệt, trong khi cổ phiếu Alcoa giảm tới 4,6% xuống 8,71 USD vì công bố kết quả kinh doanh thua lỗ trong cùng thời gian. Công ty này cũng cắt giảm triển vọng tiêu thụ nhôm toàn cầu, với lý do kinh tế Trung Quốc đi xuống.
Đóng cửa phiên 10/10, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều thụt lùi, trong đó Dow Jones Industrial Average trượt 128,56 điểm (0,95%) xuống 13.344,97 điểm; S&P 500 lùi 8,92 điểm (0,62%) về 1.432,56 điểm và Nasdaq mất 13,24 điểm (0,43%) xuống 3.051,78 điểm.
Sự đi xuống của hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cũng làm xóa mờ những nỗ lực của cổ phiếu Wal-Mart và FedEx. Phiên hôm qua, cổ phiếu của chuỗi siêu thị bán lẻ Wal-Mart tăng 1,7% lên 75,42 USD, trước đó có lúc cổ phiếu này đã chạm tới mức giá cao nhất mọi thời đại là 76,81 USD. Cổ phiếu của FedEx tăng 5,2% lên chốt ở mức 89,99 USD.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp, với khoảng 5,9 tỷ cổ phiếu được sang tay trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức giao dịch trung bình hàng ngày 6,53 tỷ cổ phiếu từ đầu năm 2012 cho tới nay. Trên sàn New York, cứ 8 cổ phiếu giảm điểm thì có 5 mã tăng điểm, còn trên sàn Nasdaq cứ 6 mã giảm điểm thì 5 mã tăng.
Cùng ngày, bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán châu Âu cũng chịu chung số phận đi xuống khi mọi mối quan tâm của nhà đầu tư tập trung vào các ngành hàng không và quân sự của khu vực sau khi kế hoạch hợp nhất giữa Tập đo àn Hàng không vũ trụ quốc phòng châu Âu với tổ hợp quân sự Anh BAE Systems bị đổ vỡ.
Đóng cửa phiên 10/10, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều giảm điểm, trong đó FTSE 100 của Anh giảm 0,47% xuống 5.782,95 điểm; DAX 30 của Đức trượt 0,30% về 7.212,71 điểm và CAC 40 của Paris mất 0,39% xuống 3.369,69 điểm.
Tiếp nối đà bán tháo cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ phiên liền trước, chứng khoán châu Á đã đồng loạt đi xuống vào lúc mở cửa phiên giao dịch ngày 11/10 sau khi Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) hạ bậc xếp hạng của Tây Ban Nha, làm bùng lên những lo ngại mới về cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực Eurozone.
Đóng cửa phiên 11/10, hầu như tất cả các thị trường châu Á đều giảm điểm, trong đó Shanghai Composite của Trung Quốc mất 0,81% (17,07 điểm) xuống 2.102,87 điểm; Nikkei 225 của Nhật Bản trượt 0,58% (49,45 điểm) về 8.545,78 điểm; S&P/ASX200 của Australia giảm 0,16% (7,2 điểm) xuống 4.483,5 điểm; KOSPI của Hàn Quốc tụt 15,13 điểm (0,78%) xuống 1.933,09điểm; Weighted của vùng lãnh thổ Đài Loan mất nặng 140,29 điểm (1,85%) về 7.451,72 điểm.
Duy chỉ có Hang Seng của Hong Kong là một mình đi ngược xu hướng chung của khu vực khi chốt phiên lại tăng được 0,38% (79,455 điểm) lên 20.999,05 điểm, cho dù trong phần lớn thời gian đỏ sàn.
Phiên này, các thị trường chứng khoán bị sức ép mạnh từ các yếu tố bất lợi như việc Tây Ban Nha bị hạ bậc tín dụng (hạ hai bậc xuống sát mức "bỏ đi"); bức tranh lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp Mỹ không sáng sủa như kỳ vọng và việc đồng yen lại mạnh lên tại Nhật Bản.
Nhà đầu tư hiện lại đang dồn chú ý vào cuộc họp vào cuối ngày của các Bộ trưởng Tài chính nhóm nước G7 diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản). Tại cuộc họp này, các Bộ trưởng Tài chính G7 bàn thảo về sự tụt dốc của kinh tế thế giới cùng sự tiếp tục mạnh lên của đồng yen, nhân tố làm kìm hãm sự tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản.