Lo ngại mất thanh khoản
Ông Marc Djandji, Giám đốc khối phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhận định: Từ giữa năm 2011, điểm số đã không còn quá quan trọng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, mà thay vào đó người ta phải tính đến chuyện làm sao có thể bán được vài ngàn tỷ đồng CP trong tình hình giao dịch chỉ có vài trăm tỷ đồng cho mỗi phiên.
Thanh khoản sụt giảm đến mức kỷ lục như hiện nay, gợi cho người ta nhớ lại giai đoạn chìm lặng của những năm 2002 - 2003, lúc đó thanh khoản TTCK rất thấp, thị trường chỉ có hơn 20 mã CP, trong khi hiện nay, hàng hóa trên thị trường dồi dào hơn rất nhiều, song khối lượng giao dịch lại về dưới mức đó. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự suy giảm thanh khoản là do sự rút đi của dòng tiền đầu cơ ngắn hạn, đặc biệt là tại những mã có tính dẫn dắt thị trường cao. Thanh khoản là yếu tố sống còn trên TTCK, giá CP giảm chưa phải là điều đáng lo ngại nhất, mất thanh khoản mới là câu chuyện nghiêm trọng nhất của TTCK Việt Nam. Nếu không bán được một chứng khoán nào đó, chắc chẳng ai dám mua, dù chứng khoán đó có tốt như thế nào.
Lại “con đường đau khổ”?
Tính đến nay, TTCK Việt Nam đã có quá trình suy giảm kéo dài đến 28 tháng so với đỉnh phục hồi sau khủng hoảng kinh tế. Những nhà đầu tư (NĐT) theo thuyết phân tích thời gian lại có thêm cơ sở để dự báo: Nếu đợt suy giảm lần này ứng với giai đoạn lịch sử 2001 - 2003, đến đầu năm 2012 thị trường mới có cơ may phục hồi. Nhưng đó chỉ là sự so sánh khá mông lung về thời gian. Bởi giờ đây, tại các sàn giao dịch, NĐT chẳng buồn ngó ngàng đến.
Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, hệ thống ngân hàng đang đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng. Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng trong khi các công ty trong ngành này hầu hết đang phải gánh chịu chi phí lãi vay khá lớn. Ngoài ra, chi phí lãi vay vẫn tiếp tục ở mức cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động khó khăn hơn... Từ sau "sự cố" thanh khoản của CTCK SME, NĐT không khỏi lo lắng về sự an toàn cho tài khoản của mình.
Giá trị khớp lệnh chung của hai sàn ngày cuối tuần qua lại rơi xuống dưới mức 500 tỷ đồng (481 tỷ đồng), giảm gần 8% so với phiên trước. Thực ra nếu nhìn nhận theo thời điểm phân bổ giá trị giao dịch nói trên, giá trị khớp thành công trong xu hướng giảm cũng không phải là lớn. Tuy nhiên, lực cầu ngày càng yếu đi và ngay cả ở những CP đầu cơ chủ chốt, người mua cũng lùi giá chặn xuống sâu hơn, đồng nghĩa với đà giảm thêm còn tiếp diễn.