Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường chứng khoán, tìm ngưỡng kháng cự mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bất chấp sắc xanh phủ ngập trên các bảng điện tử của TTCK thế giới, tuần qua, TTCK Việt Nam chứng kiến lao dốc không phanh khi chỉ số VN-Index TP HCM sau 5 phiên giao dịch, đã giảm mạnh hết 4 phiên, rớt tổng cộng 50,8 điểm (10,65%), hiện chỉ còn lại 444,16 điểm.

KTĐT - Bất chấp sắc xanh phủ ngập trên các bảng điện tử của TTCK thế giới, tuần qua, TTCK Việt Nam chứng kiến lao dốc không phanh khi chỉ số VN-Index TP HCM sau 5 phiên giao dịch, đã giảm mạnh hết 4 phiên, rớt tổng cộng 50,8 điểm (10,65%), hiện chỉ còn lại 444,16 điểm.

HNX-Index bị trừ đi 19,4 điểm (12,74%), lùi xuống mốc 140. Khối lượng giao dịch trung bình 16,3 triệu, ứng với 504 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 25% về giá trị so với bình quân tuần trước.

Ấn tượng để lại trong tuần qua còn là chuỗi ngày giao dịch buồn tẻ. Dù lực cầu tham gia bắt đáy có xuất hiện ở một vài phiên, nhưng vẫn chưa hội tụ đủ sức giúp Vn-Index xoay chiều. Diễn biến này khiến các chỉ số mới chớm hồi phục đã vội quay lại xu thế giảm. Lệnh mua tham gia "nhát ngừng", nên lượng chứng khoán mua bán thành công cũng suy yếu, hạ 13% về khối lượng và 18% về giá trị so với trung bình tuần trước, đạt 36,9 triệu cổ phiếu, trị giá 1.444 tỷ đồng.

Khác với hai tuần giao dịch trước, thị trường chứng khoán tuần này không có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, bởi hầu như các mã đều chung một xu hướng duy nhất - bị bán sàn, giảm giá mạnh. Kể cả các cổ phiếu có thông tin chia thưởng cũng suy giảm, thay vì được kỳ vọng sẽ là tín hiệu tích cực đẩy Vn-Index đi lên.

Sau đợt suy giảm mạnh từ cuối tháng 10 đến nay, phần lớn các cổ phiếu trên sàn đã giảm đi trên 33% so với thị giá vào thời điểm trước. Tuy nhiên, với mức giá khá rẻ như hiện nay, cổ phiếu trên sàn vẫn không thể thu hút được sự quan tâm của các NĐT trong nước. Trong khi khối ngoại vẫn có những phiên mua và bán ròng đan xen thì NĐT nội vẫn trung thành với một động thái duy nhất là tìm mọi cách để thoát hàng. Rõ ràng là những lo ngại về dòng tiền yếu vào thời điểm cuối năm đã tác động rất mạnh đến niềm tin vốn đã suy giảm nhiều trong thời gian gần đây của các NĐT trong nước.
Ngoài ra, một điều không thể phủ nhận là quyết định không cho phép các CTCK bán cổ phiếu trước ngày T+4 của UBCK trước đây đã làm cho tính thanh khoản trên thị trường giảm đi nhiều. Vòng quay của đồng vốn bị trả về ở con số thấp hơn đã làm cho chứng khoán giảm đi sức hút đối với các nhà đầu cơ trên thị trường.

Những nguyên nhân dẫn đến áp lực bán cổ phiếu ở thời điểm hiện tại, theo phân tích của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC), do: ngân hàng thu hồi nợ, công ty chứng khoán giảm tỷ lệ cho vay cổ phiếu. Yếu tố sau ảnh hưởng đến yếu tố trước, và khi giá cổ phiếu giảm, càng có nhiều cổ phiếu thế chấp bị bán ra. Theo HSC, áp lực bán ra này sẽ đạt đỉnh điểm trước cuối năm nay, thị trường sau đó có thể bật trở lại.

Ngoài ra, việc thu thuế chứng khoán vào đầu năm 2010, xu thế suy giảm kéo dài của hai sàn chứng khoán, áp lực phải bán bớt tài sản cầm cố ngân hàng do giá cổ phiếu đã rơi đến ngưỡng xử lý... góp phần đè nặng thị trường. Chính vì vậy, nguồn cung giá thấp vẫn không mấy ai đoái hoài đến, dư bán tràn ngập bảng điện tử.

Khối ngoại dù vẫn thực hiện chiến lược mua ròng, nhưng đã suy giảm khá nhiều so với tuần trước. Lượng mua vào, bán ra của nhà đầu tư nước ngoài đạt lần lượt 15,5 triệu và 13,2 triệu.

Theo phân tích kỹ thuật, sau khi ngưỡng hỗ trợ 450 điểm của VN-Index bị phá vỡ, ngưỡng hỗ trợ mạnh hơn của VN-Index ở 413 điểm có khả năng được kiểm định trong thời gian tới.