KTĐT - Tín dụng cho chứng khoán bị thắt, có tính toán, nhưng khó toàn diện; thị trường này vẫn còn nhận những cái nhìn thiếu thiện cảm.
Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Chỉ thị số 01 triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Một nội dung chính của Chỉ thị là chủ trương giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất trong năm nay, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Đến 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ của mỗi tổ chức tín dụng tối đa là 22% và đến 31/12/2011 tỷ trọng này tối đa là 16%.
Theo tính toán của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng tín dụng sẽ giảm xuống, nhưng do tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến dưới 20% nên con số tuyệt đối vẫn ngang bằng với hiện nay; và Ngân hàng Nhà nước đã tính toán điều này để tránh gây sốc đối với thị trường chứng khoán, bất động sản.
Chủ trương đã ban hành, việc thực hiện đã được căn theo lộ trình và định sẵn “hình phạt” đối với những trường hợp không đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, một lần nữa vẫn có những điểm cần nhìn lại.
Tại hội nghị ngành triển khai Chỉ thị số 01, một số ý kiến từ phía ngân hàng thương mại cho rằng cần có sự phân định cụ thể ở các nhóm đối tượng, nhu cầu vay vốn, hay điểm đến của nguồn vốn trong mỗi lĩnh vực khoanh vùng là phi sản xuất và tránh sự cào bằng.
Đơn cử như với lĩnh vực chứng khoán, từng được đề cập trong các ý kiến góp ý về Thông tư 13 ban hành hồi tháng 5/2010: hệ số rủi ro 250% được áp dụng cho các khoản vay để đầu tư chứng khoán; riêng trường hợp cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán, nhà đầu vay lại chính đồng vốn của mình bỏ ra, rủi ro thấp nhưng vẫn chung một rào 250% đó.
Rộng hơn, ở chủ trương chung, nguồn “vốn mồi” cho một kênh dẫn vốn quan trọng của doanh nghiệp bị siết lại. Nguồn vốn đó là cần thiết để góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán phát huy được vai trò của nó. Dĩ nhiên, sự thúc đẩy ở đây không phải là góp phần tạo bong bóng trên thị trường, hay tăng trưởng nóng.
Mới đây, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước từng chia sẻ rằng, gánh nặng cầu vốn của nền kinh tế hiện nay dồn về hệ thống các tổ chức tín dụng. Tổng dư nợ toàn bộ hệ thống ngân hàng đã lớn hơn GDP tới 1,2 lần, trong khi nhiều nước trên thế giới chỉ là 0,6 lần GDP.
Để chia sẻ gánh nặng này, phát triển thị trường vốn là một hướng đi. Nếu doanh nghiệp mạnh khỏe, làm ăn hiệu quả thì tự tin tìm đến thị trường chứng khoán gọi vốn. Nhưng trong bối cảnh lãi suất vay vốn ngân hàng là rào cản lớn, cửa gọi vốn từ chứng khoán cũng hẹp lại khi thị trường này khó khăn kéo dài, thì nay cả nguồn “vốn mồi” hỗ trợ cũng bị thắt lại.
Đành rằng, thị trường chứng khoán và vai trò của nó khó tách riêng trong chủ trương mới của Ngân hàng Nhà nước, cũng như trong mục tiêu chung của Chỉ thị số 01. Nhưng không khó để tìm thấy sự chạnh lòng của nhà đầu tư trên các diễn đàn.
Thậm chí, cho đến lúc này, khi thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 10 năm hoạt động, vẫn có những góc nhìn “thiếu thiện cảm”.
Tại một diễn đàn cuối tuần qua bình luận về Nghị quyết số 11 của Chính phủ, một chuyên gia kinh tế có tiếng đưa ra quan điểm rằng: “Một nền kinh tế với nhiều thị trường mà không đồng bộ thì không thể hiệu quả. Tái cấu trúc cơ bản ở đây là tạo môi trường để các thị trường phát triển đồng đều. Những thị trường nguồn lực cơ bản lại không được quan tâm, trong khi chỉ phát triển những thị trường chóp bu làm giàu cho vài ngàn người như chứng khoán thì nền kinh tế không thể phân bổ nguồn lực tốt”.
Có lẽ chuyên gia đó quên mất rằng, thị trường chứng khoán không hẳn làm giàu cho vài ngàn người, mà là một kênh để truyền dần nguồn vốn từ dân cư, các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước đi vào sản xuất kinh doanh, qua hoạt động của các doanh nghiệp phát hành chứng khoán.
Tại thời điểm tháng 7/2010, kỷ niệm 10 năm thành lập thị trường, Ủy ban Chứng khoán cho biết, chỉ riêng tổng giá trị vốn huy động qua thị trường này trong 5 năm gần đây đã đạt gần 300 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% GDP. Những con số đó chắc chắn đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của hàng ngàn doanh nghiệp thuộc hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế - một sự phân bổ gián tiếp, chứ không chỉ đã làm giàu cho vài ngàn người!
Tất nhiên, đó là quan điểm cá nhân. Nhưng có lẽ sẽ là một rào cản vô hình đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán nếu có nhiều quan điểm chung như vậy.