Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường địa ốc làm quen với nghiệp vụ repo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù chỉ mới nằm trong kế hoạch và đang ở khâu chuẩn bị vốn, thông tin sắp tới đây một doanh nghiệp sẽ áp dụng dịch vụ repo đang khiến giới đầu tư xôn xao. Còn các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp dòng vốn luân chuyển dễ dàng hơn trên thị trường.

KTĐT - Dù chỉ mới nằm trong kế hoạch và đang ở khâu chuẩn bị vốn, thông tin sắp tới đây một doanh nghiệp sẽ áp dụng dịch vụ repo đang khiến giới đầu tư xôn xao. Còn các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp dòng vốn luân chuyển dễ dàng hơn trên thị trường.

Một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc có thâm niên gần chục năm trong ngành bất động sản TP HCM đang nghiên cứu và vận động các cổ đông góp vốn để áp dụng mô hình repo bất động sản. Dịch vụ này có tên tiếng Anh bắt nguồn từ chữ Repossess of property (sở hữu lại tài sản), viết tắt Repo, được đánh giá là khá mới mẻ và đầy tiềm năng, dân trong ngành gọi lóng là "cầm nhà".

Theo tiết lộ của doanh nghiệp trên, cách thực hiện repo bất động sản không khác gì những cuộc giao dịch nhà đất thông thường, chỉ đặc biệt ở chỗ đây không phải là mua đứt bán đoạn mà có điều kiện ràng buộc.

Đầu tiên, doanh nghiệp sẽ thỏa thuận mua lại nhà của người cần bán sau khi thông qua việc thẩm định, xác định giá trị tài sản cụ thể. Kế đến, doanh nghiệp và khách hàng cùng hoàn tất các thủ tục mua bán, kèm theo một cam kết. Theo đó, trong khoảng thời gian 3-6 tháng hoặc dài hơn (tùy thỏa thuận), người bán nhà có quyền mua lại tài sản của mình bằng với mức giá đã bán đi (bất kể giá thị trường đang tăng hay giảm), kèm theo chi phí pháp lý và lãi suất. Điều này cũng có nghĩa doanh nghiệp có thể cho thuê hoặc khai thác giá trị gia tăng của bất động sản nhưng không được quyền bán nhà vừa mua cho bên thứ ba trong thời gian quy định.

Lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ với VnExpress.net , nhìn bề ngoài repo bất động sản có vẻ rất dễ thực hiện vì nhu cầu thực tế khá cao, nhưng đây là sân chơi khó. Chỉ những đơn vị có uy tín, kinh nghiệm, tài chính dồi dào và sẵn sàng chấp nhận rủi ro chênh lệch giá trên thị trường địa ốc mới có thể nhập cuộc. Tương tự, không phải bất cứ loại bất động sản nào cũng có thể repo, chỉ những sản phẩm có tính pháp lý và khả mãi (khả năng mua bán, giao dịch tốt trên thị trường) mới áp dụng được.

Trao đổi với VnExpress.net, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Quân Trương Thái Sơn nhận định: " Repo bất động sản là công cụ tốt hỗ trợ thị trường nhà đất đang trên đà phục hồi, tạo thêm cơ hội mới và tính thanh khoản cho những tài sản bị ứ đọng ".

Tuy nhiên, theo ông Sơn, dịch vụ Repo hấp dẫn và có nhiều tiềm năng phát triển nhưng doanh nghiệp cần phải có nguồn vốn dồi dào mới cầm lái vững vàng là một thách thức khách lớn trong thời điểm hiện nay. Ngoài ra, ông cũng cho rằng, cần phải bổ sung thêm hành lang pháp lý nhằm giúp khách hàng tránh bớt những rủi ro khi tham gia repo vì các hợp đồng thỏa thuận dân sự hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở.

Tổng giám đốc Công ty địa ốc Phúc Đức Lâm Văn Chúc phân tích, mọi công cụ hỗ trợ đều có mặt tốt và chưa tốt, khách hàng và cả doanh nghiệp phải tỉnh táo, linh hoạt vận dụng chứ đừng nghĩ tất cả chỉ màu hồng.

Chuyên gia này nhận xét repo nhạy cảm và đầy áp lực ở chỗ nếu giá nhà đất trên thị trường biến động mạnh, chẳng hạn sụt giảm nghiêm trọng thì doanh nghiệp sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn khi phải gánh sức nặng ứ đọng tài sản và chôn vốn trong một thời gian dài.

Tổng giám đốc Công ty địa ốc ACBR Phạm Văn Hải nhận định, dịch vụ repo là sân chơi công bằng, trong đó giao dịch mua bán kèm theo cam kết dựa trên thỏa thuận dân sự. Trên thực tế, các doanh nghiệp có chức năng đầu tư kinh doanh bất động sản đều có thể vận dụng dịch vụ repo để mua bán nhà đất vì hoạt động này hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, khi tham gia repo, thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp là công tác thẩm định giá và nguồn vốn. Trong khi đó, khách hàng sẽ chịu áp lực trả một khoản lãi cao hơn lãi suất ngân hàng, nếu thời hạn repo càng dài thì càng bất lợi.