Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường dịch vụ pháp lý: Nhỏ nhưng trọng yếu!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù trong thương mại quốc tế các dịch vụ pháp lý không phải là dịch vụ đem lại những nguồn thu “kếch xù” cho đất nước như dịch vụ ngân hàng, tài chính hay viễn thông...

KTĐT - Mặc dù trong thương mại quốc tế các dịch vụ pháp lý không phải là dịch vụ đem lại những nguồn thu “kếch xù” cho đất nước như dịch vụ ngân hàng, tài chính hay viễn thông... nhưng muốn thu hút đầu tư nước ngoài hay đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, các nước thành viên của WTO trong đó có Việt Nam buộc phải quan tâm và phát triển dịch vụ này theo các cam kết chung.

“Ăn nên làm ra” nhờ mở cửa
 
Trong khuôn khổ WTO, các dịch vụ pháp lý được coi là một tiểu lĩnh vực chuyên môn thuộc lĩnh vực dịch vụ kinh doanh. Đây cũng là một loại hình dịch vụ đặc biệt do đối tượng cung cấp các dịch vụ này là luật sư - những người có tiếng nói, ảnh hưởng và thậm chí là "kiến trúc sư" cho nhiều quy định trong WTO. 
 
Nhiều người cho rằng, dịch vụ pháp lý chỉ đơn thuần là dịch vụ “ăn theo” các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư. Song xét thực tế thì dịch vụ này còn có vai trò như một chất xúc tác cho hoạt động kinh tế, vì bất kỳ nước nào muốn thúc đẩy kinh tế đối ngoại hay đầu tư nước ngoài đều cần phải thúc đẩy phát triển dịch vụ pháp lý, kể cả việc cho phép các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài sử dụng luật sư theo nhu cầu riêng của họ. Xu thế chung trong các năm gần đây là các nước đều cam kết và mở cửa đối với dịch vụ pháp lý khi trở thành thành viên của WTO. 
 
Đối với Việt Nam, việc cung cấp các dịch vụ pháp lý trở thành một nghề đích thực và có cơ hội phát triển kể từ khi đất nước ta thực hiện chủ trương đổi mới. Đáng chú ý là việc Việt Nam ban hành Pháp lệnh Luật sư 2001 và Luật Luật sư 2006 đã tạo ra khuôn khổ pháp luật thuận lợi cho hành nghề luật sư tại Việt Nam. Việc Nhà nước "đơn phương" mở cửa cho các tổ chức luật sư nước ngoài vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX là một bước tiến mới, tạo ra nhiều cơ hội cho nghề luật sư, trong đó có những cơ hội cho các luật sư Việt Nam học hỏi và cạnh tranh quốc tế. 
 
Tất cả những điều này đã từng bước tạo ra những sự phát triển tích cực của nghề luật sư tại Việt Nam. Sức ép hội nhập kinh tế quốc tế và mở cửa thị trường dịch vụ pháp lý chỉ thực sự xuất hiện khi Việt Nam ký kết và thực hiện Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA). Kể từ khi thực hiện BTA và nhất là với việc ban hành Nghị định số 87/2003/NĐ-CP thì thị trường dịch vụ pháp lý thực sự đã rộng cửa hơn đối với các tổ chức luật sư và luật sư nước ngoài đến hành nghề tại Việt Nam.

Còn những điểm chưa tương thích
 
Trở thành thành viên chính thức của WTO, thị trường dịch vụ pháp lý của Việt Nam được đánh giá là thông thoáng hơn nhờ những cam kết với quốc tế. Song một điểm đáng lưu ý là việc đàm phán gia nhập WTO về dịch vụ pháp lý được tiến hành trên cơ sở mức “sàn” là những cam kết trong BTA và pháp luật hiện hành ở thời điểm đó (tức Nghị định 87). Tuy nhiên, các quy định mới của Luật luật sư năm 2006 có nhiều điểm khác với các quy định của Nghị định 87. Do đó, theo ông Nguyễn Khánh Ngọc - Vụ phó Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp), đang tồn tại sự bất tương thích giữa các cam kết WTO và Luật luật sư 2006.

Ông Ngọc lấy ví dụ, quy định về hình thức hành nghề, Điều 69 của Luật luật sư 2006 có quy định tổ chức luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới 3 hình thức là: Chi nhánh, công ty luật TNHH 100% vốn nước ngoài, công ty luật TNHH liên doanh. Trong khi đó, cam kết của WTO của Việt Nam lại cho phép tổ chức luật sư nước ngoài được hành nghề tại Việt Nam dưới 4 hình thức: chi nhánh, công ty con của tổ chức luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, và công ty hợp danh giữa tổ chức luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.

Một điều đáng lưu ý nữa la, trong các quy định pháp luật về doanh nghiệp chưa có quy định nào về hình thức công ty hợp danh của các tổ chức mà chỉ có quy định công ty hợp danh của cá nhân. Ngoài ra, một số quy định về phạm vi hành nghề, quyền tham gia tố tụng trước tòa án của luật sư nêu trong Luật và trong cam kết WTO của nước ta hiện cũng chưa tìm được tiếng nói chung.

Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra lúc này là phải sửa đổi, bổ sung Luật luật sư 2006 sao cho phù hợp với các cam kết WTO, góp phần phát triển mạnh mẽ thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam trong các năm tới.