Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường du lịch cho người khuyết tật: Vẫn “bỏ ngỏ”

Mai Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu đi du lịch đã phổ biến với đa số người dân Việt Nam và trên toàn thế giới, trong đó có người khuyết tật (NKT). Dẫu vậy, hoạt động du lịch dành cho NKT vẫn còn bị bỏ ngỏ tại Việt Nam.

Dịch vụ manh mún
Với 8 triệu NKT tại Việt Nam, chưa tính trên thế giới, có thể nói đối tượng du khách là NKT có nhiều tiềm năng đối với ngành du lịch. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, dịch vụ dành cho những “vị khách đặc biệt” này chưa được đầu tư đồng bộ và có hệ thống.

Bà Đỗ Ngọc Ánh – Giám đốc Công ty Du lịch Mekong Touch cho biết, 15 năm hoạt động trong ngành du lịch, mỗi lần thực hiện tour cho NKT, đều vấp phải nhiều khó khăn. Do cơ sở hạ tầng, dịch vụ dành cho NKT còn manh mún, nên bà luôn phải “vừa làm vừa mò mẫm”. Mỗi lần khách có nhu cầu, bà lại phải gọi điện liên hệ với từng cơ sở, khách sạn, nhà hàng và điểm đến để hỏi họ có dịch vụ dành cho NTK hay không để xây dựng tour cho những trường hợp này.

Nhóm “Vì tương lai tươi sáng” khảo sát điểm đến để thực hiện dự án Trang thông tin du lịch tiếp cận dành cho người khuyết tật. Ảnh: Mai Thanh

Theo bà Ánh, hầu hết tại các nước phát triển du lịch, đặc biệt là các nước châu Âu đều có các công ty du lịch, Hiệp hội chuyên tổ chức tour cho NKT. Trong khi đó, tại Việt Nam gần như chưa có một công ty nào chuyên xây dựng tour dành cho NKT. Chỉ khi nào khách có nhu cầu, các DN lữ hành mới bắt đầu “mò mẫm” xây dựng sản phẩm cho NKT. Do vậy, sản phẩm và dịch vụ thường thiếu chuyên nghiệp. Cũng chính vì thiếu thông tin, nên lượng khách quốc tế là NKT đến Việt Nam chưa nhiều.

Đến thời điểm này, một số địa phương và điểm đến trên cả nước đã bắt đầu có sự quan tâm đến du khách là NTK. Điển hình như cáp treo Fansipan Sa Pa đã có lối đi lên riêng cho NKT; Đà Nẵng xây dựng lối đi ra biển riêng cho NKT tại Mỹ Khê; “Công viên của những kỷ lục” Sun World Danang Wonders dành riêng những lối đi cho NKT…

Hà Nội có trang thông tin hỗ trợ người khuyết tật

Theo đánh giá của một số DN lữ hành, sự quan tâm đầu tư dịch vụ du lịch cho NKT chưa nhiều và chưa đáp ứng nhu cầu của NKT. Chị Trịnh Thủy – thành viên Nhóm “Vì tương lai tươi sáng” (trực thuộc Hội NKT Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, người khiếm thính vào tham quan các điểm di tích lịch sử, bảo tàng không có sự hỗ trợ để được nghe thuyết minh, mà chỉ có hệ thống slide chạy chữ giới thiệu về hiện vật, di tích. Tuy nhiên, những dòng chạy chữ giới thiệu này bằng tiếng Anh nên không phải NKT nào cũng có thể hiểu được. Hoặc người khiếm thị vào thang máy trong khách sạn, nhà hàng nhưng không có dòng chữ nổi để họ có thể tự nhận biết, xoay xở” – chị Thủy cho biết.

Để tạo điều kiện cho NKT đi du lịch tại Việt Nam cũng như giúp các công ty du lịch dễ dàng hơn khi xây dựng tour dành cho NKT, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án “Xây dựng trang thông tin du lịch tiếp cận cho NKT”. Dự án này đã ra mắt cuối tháng 11 vừa qua.

Theo đó, thông qua trang thông tin điện tử https://dulichtiepcan.com/ vi-vn và trang mạng xã hội https://www.facebook.com/ dulichtiepcan, NKT có thể tìm được thông tin về các điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn có hỗ trợ cho NKT để chủ động cho chuyến du lịch của mình. Tại trang web này, 22 điểm tham quan, 8 khách sạn, 7 nhà hàng tại Hà Nội cùng các tuyến vận chuyển như sân bay Nội Bài, ga Hà Nội và một số điểm xe buýt… được thông tin chi tiết, tư vấn cho NKT khi đi du lịch.

Theo các chuyên gia du lịch, để hoạt động du lịch dành cho NKT không còn rào cản, cần có sự đầu tư đồng bộ, có hệ thống. Trong bối cảnh hiện nay, việc ra mắt trang thông tin du lịch tiếp cận này là một giải pháp vô cùng hữu ích, góp phần cung cấp những thông tin quý giá cho du khách NKT.

Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Tại lễ mít tinh Hưởng ứng ngày quốc tế người khuyết tật (NKT) 3/12 do Bộ LĐTB&XH tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cho biết, hiện Việt Nam có gần 8 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, trong đó có 1,2 triệu là trẻ khuyết tật. Phần lớn NKT còn có cuộc sống khó khăn, đặc biệt những người bị chất độc da cam/dioxin gây ra lại càng vất vả hơn.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, hành động nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT. Đặc biệt, Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT do Thủ tướng ký phê duyệt đã được cụ thể hóa thành những hoạt động, giải pháp của từng giai đoạn. NKT được trợ cấp xã hội, hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng. Những NKT còn được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế… giúp họ tự tin, tự lập cuộc sống. Hàng năm có hàng triệu NKT được trợ cấp từ ngân sách Nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, phương tiện trợ giúp. 100% tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đã xây dựng mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng. Hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đi học, phát triển. Số NKT được học nghề và có việc làm ngày càng tăng...

Tuy nhiên, NKT vẫn còn nhiều khó khăn, còn nhiều NKT sống trong cảnh nghèo, sức khỏe hạn chế, thất học, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội. Vì thế, theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, trước mắt để thực hiện được các điều ước quốc tế và quy định pháp luật về NKT, cần có nhiều hơn nữa sự cố gắng của các tổ chức, xã hội, cộng đồng, Nhà nước và chính NKT để họ được hòa nhập vào xã hội tốt hơn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện những cam kết được ghi trong Hiến pháp và pháp luật về NKT, cũng như các quy định của quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Qua đó, thực hiện được mục tiêu giúp NKT có cuộc sống tốt hơn, điều kiện thuận lợi để thực hiện các quyền do pháp luật quy định.

Đến từ Tổ chức UNICEF, ông Friday Nwaigwe - Trưởng chương trình “Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em” cho rằng, điều quan trọng nhất đối với Việt Nam chính là tiếp tục nâng cao năng lực quốc gia và địa phương để ứng phó và chuẩn bị tốt hơn khi thiên tai xảy ra hay trong trường hợp khẩn cấp. Bởi đó là nguyên nhân làm cho trẻ em, NKT rơi vào tình trạng vô cùng khốn khó.

Trần Oanh