Việc USD tăng giá mạnh so với các ngoại tệ khác đã khiến các thị trường hàng hóa thế giới tuột dốc không phanh. Hầu hết các mặt hàng chiến lược như dầu thô, xăng, khí đốt, lúa mì, kim loại cơ bản, kim loại quý đều giảm giá mạnh. Dầu giảm 5,2%, xăng trượt 4,6% Giá USD bất ngờ tăng vọt so với các ngoại tệ khác đã khiến giá dầu đổ đèo, trượt sâu xuống dưới ngưỡng 95 USD/thùng trong phiên giao dịch đêm qua. Thêm vào đó, thị trường cũng bị tác động từ đánh giá của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ. Chốt phiên giao dịch ngày 14/12, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 1/2012 giảm 5,19 USD, tương ứng 5,2%, xuống còn 94,95 USD/thùng trên sàn trao đổi hàng hóa New York, thấp nhất kể từ ngày 4/11. Trong phiên, có lúc giá dầu loại này còn chạm mức 94,21 USD. Tại cuộc họp diễn ra ở Vienna (Áo) hôm qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí giới hạn sản lượng dầu lần đầu tiên trong ba năm ở mức 30 triệu thùng/ngày, trong một thỏa thuận nhằm giải quyết bất đồng kéo dài 6 tháng qua. Bộ trưởng Bộ Dầu khí Venezuela Rafael Ramirez cho hay, "chúng tôi sẽ giảm sản lượng của mỗi nước thành viên để dành chỗ cho sản lượng khai thác của Libya," vốn tăng nhanh hơn dự đoán sau khi nước này thoát khỏi tình trạng “nồi da xáo thịt”. Tại cuộc họp hồi tháng 6/2011, 12 nước thành viên tổ chức này đã không thể đạt được sự đồng thuận về việc tăng sản lượng, dẫn tới việc Saudi Arabia đã tự do nâng sản lượng nhằm bù đắp lượng dầu thiếu hụt từ quốc gia Bắc Phi Libya. Theo Jason Schenker, Chủ tịch hãng Prestige Economics, quyết định của OPEC về sản lượng dầu được đưa ra trong bối cảnh đang có nhiều lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và các thị trường chứng khoán, hàng hóa năm tới nhiều rủi ro. Xuất phát từ lý do này, giới đầu tư trên thị trường năng lượng đã trở nên lo sợ về triển vọng giá dầu sắp tới có thể sẽ còn giảm mạnh hơn, trong lúc tình hình nợ công châu Âu chưa được giải quyết và kinh tế Mỹ tăng trưởng còn bấp bênh. Giá dầu thô đêm qua giảm mạnh còn bởi lý do đồng USD bất ngờ tăng vọt, đóng góp tới 5% vào giá mặt hàng này. Việc đồng USD tăng giá trước giờ luôn được xem là một yếu tố bất lợi đối với các mặt hàng tính bằng loại tiền tệ này như giá dầu. Thị trường chứng khoán toàn cầu trượt giảm sâu đêm qua, trong đó chứng khoán Mỹ - phong vũ biểu của nền kinh tế lớn nhất thế giới – giảm phiên thứ 3 liên tiếp, cũng là một yếu tố khác tác động mạnh tới thị trường năng lượng. Cũng trong ngày hôm qua, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố, trong tuần kết thúc ngày 9/12, lượng cung dầu giảm 1,9 triệu thùng, trong khi cung xăng tăng 3,8 triệu thùng, và dự trữ các chế phẩm khác từ dầu giảm 500.000 thùng. Diễn biến cùng chiều với thị trường dầu thô, dầu sưởi giao tháng 1 giảm 9,9 xu, tương ứng 3,4%, xuống 2,83 USD/gallon. Xăng cùng kỳ hạn giảm 12,1 xu, tương ứng 4,6%, xuống 2,5 USD/gallon. Giá khí đốt giảm 4,4% xuống 3,14 USD/triệu BTU. Nông sản, kim loại cũng ồ ạt lao dốc Các mặt hàng nông sản như ca cao, đường, cà phê Arabica, cũng tuột dốc mạnh do tác động của đồng USD tăng giá, làm giảm nhu cầu đầu tư vào các tài sản rủi ro. Giới đầu tư lo ngại tình hình kinh tế hiện nay sẽ làm giảm nhu cầu nguyên liệu thô. Chốt phiên 14/12, giá ca cao trượt 2,8% xuống 2.180 USD/tấn. Giá cà phê Arabica giảm 2,2% xuống 218 xu/lb, đây là ngày thứ 5 liên tiếp giá mặt hàng này đi xuống. Giá đường thô cũng tuột 2,7% xuống còn 22,8 xu/lb, thấp nhất kể từ đầu tháng 6 tới nay. Trên thị trường ngũ cốc, giá lúa mì rơi xuống mức thấp nhất hơn 2 năm. Đóng cửa ngày giao dịch, giá lúa mì còn 5,8075 USD/bushel, giảm 3,3% so với phiên trước. Giá đậu tương hạ 1,7% còn 11 USD/bushel còn giá ngô hạ 2,3% xuống 5,8075 xu/lb. Trên thị trường kim loại, giá vàng kỳ hạn trượt 4,6% xuống 1.586,9 USD/ounce, giá bạc mất 7,4% xuống 28,935 USD/ounce, bạch kim giảm 4,4% xuống 1.426,3 USD/ounce, palladium trượt tới 6,7% xuống mức 619,6 USD/ounce. Giá đồng giao tháng 3/2010 giảm 4,7% xuống 3,2785 USD/lb, thấp nhất trong 8 tuần qua xuất phát từ đánh giá nhu cầu châu Âu suy giảm. Giá nhôm giảm 2% xuống 1.962 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 7/2010. Giá niken, kẽm, thiếc, chì cũng giảm.