Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường lao động cuối năm: Cung - cầu đều biến động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng, khả năng tạo việc làm mới giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tuyển dụng được lao động. Đây là "nghịch lý" đang diễn ra trên thị trường lao động những tháng cuối năm 2011.

Khó tuyển dụng

Theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH), cả nước hiện có khoảng 49,2 triệu người có việc làm, tăng 171.000 người so với năm 2010. Trong đó, lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ 48,6%. Nhưng, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những tháng cuối năm 2011, khả năng giải quyết việc làm thị trường lao động cuối năm vẫn chưa thoát khỏi sự mất cân đối về cung cầu lao động. Nhiều địa phương, doanh nghiệp và ngành nghề vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Xét theo lĩnh vực ngành nghề, hiện ngành công nghiệp chế biến, khoa học công nghệ đang thiếu hụt lao động trầm trọng. 26% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến gặp khó khăn khi tuyển dụng và rất khó khăn trong tìm kiếm lao động có kỹ năng nghề nghiệp, có chất lượng. Áp lực thiếu hụt lao động có kỹ năng cũng khiến ngành này đứng đầu về làm thêm giờ và phải tăng lương để "giữ chân" lao động (tăng 163%).

Trong báo cáo mới đây, Cục Việc làm (Bộ LĐ TB&XH) đã đưa ra 4 biểu hiện cho rằng, giá cả tăng cao, cuộc sống khó khăn đã khiến không ít công nhân sẵn sàng nghỉ việc ở doanh nghiệp này để sang doanh nghiệp khác có thu nhập cao hơn, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp thiếu lao động. Có không ít doanh nghiệp tuyển lao động chủ yếu để thay thế, dự phòng lao động "nhảy việc". Thực tế, trong tổng số nhu cầu cần tuyển, chỉ có khoảng 46% tuyển vào chỗ làm mới, số còn lại chủ yếu tuyển để thay thế cho sự biến động lao động của doanh nghiệp…

Theo thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, sau 9 tháng tổ chức với 31 phiên giao dịch việc làm cố định và 6 phiên lưu động đã có 2.256 lượt doanh nghiệp cùng 58.779 chỉ tiêu tuyển dụng. Nhưng số người được tuyển dụng trực tiếp chỉ là 14.486 người, đáp ứng 24,64 % tổng nhu cầu. Trong đó, tập trung nhiều ở lao động có trình độ ĐH, CĐ, lao động trình độ TC - CNKT chỉ đáp ứng 17,28%, lao động phổ thông là 4,32%.

Thất nghiệp lại tăng

Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, các phiên giao dịch việc làm hiện vẫn duy trì được một lượng chỉ tiêu nhất định, nhưng có thể có tình trạng thiếu lao động ảo, trong khi số lao động thất nghiệp, mất việc làm tăng, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu lao động nhưng không tuyển dụng được lao động cùng ngành nghề. Số người đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp riêng trong tháng 10 cũng tăng lên 1.918 người, số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng vọt lên con số 2.369 người.

Dự báo, thị trường lao động Hà Nội, sắp tới tỷ lệ người lao động thất nghiệp vẫn gia tăng do tinh giảm biên chế vì tình hình lãi suất vẫn rất cao. Một số công ty có xu hướng thu hẹp quy mô sản xuất và hoạt động cầm chừng, cũng như việc dịch chuyển địa điểm nhà máy của một số doanh nghiệp tập trung nhiều lao động ra các tỉnh lân cận và khu vực ngoại thành. Việc giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp sớm trở lại với thị trường lao động vẫn là thách thức, bởi nhu cầu về chuyển đổi nghề nghiệp cũng như học nghề của đối tượng này không cao.

Những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng về lao động phổ thông cũng khá lớn, nhưng khả năng đáp ứng của sàn giao dịch việc làm Hà Nội không cao. Để đáp ứng nhu cầu, các doanh nghiệp phải tìm nguồn lao động này ở các vùng lân cận. Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận lực lượng lao động này, Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội sẽ mở tiếp một phiên lưu động tại huyện Từ Liêm ngày 12/11/2011.

Cục trưởng Cục Việc làm Nguyễn Đại Đồng cũng cho biết, Cục sẽ cùng phối hợp với các bộ, ban, ngành tìm các giải pháp để giảm khoảng cách giữa cung - cầu lao động trong những tháng cuối năm 2011. Một trong những giải pháp cơ bản là phát triển hệ thống thông tin để điều phối cung - cầu tốt hơn trên thị trường lao động.