Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Đối thoại chính sách Quốc gia cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 4/9.
Theo Nghiên cứu về tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đối với thị trường lao động Việt Nam của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), ADB và Ban Thư ký ASEAN, đến năm 2025, AEC sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%.
Tuy nhiên, những lợi ích chung sẽ không được chia đều cho tất cả. Nếu lao động thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết sẽ không thể nắm bắt được cơ hội có việc làm tốt.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trên quy mô tổng thể, hội nhập kinh tế sẽ giúp tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN và cải thiện đời sống của 600 triệu người dân hiện đang sống trong khu vực. Trong giai đoạn 2010-2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình sẽ tăng nhanh nhất ở mức 28% và sẽ có thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người.
Giám đốc ILO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Yoshiteru Uramoto nhận định, nghiên cứu mới cho thấy Việt Nam sẽ là một trong số các nước hưởng nhiều lợi ích từ việc hội nhập kinh tế khu vực do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Dự báo, việc làm sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, dệt may và chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, 2/3 số việc làm mới rất có thể là những công việc chất lượng thấp, dễ bị tổn thương. Thực tế, gần 50% số lao động Việt Nam vẫn đang làm việc trong ngành nông nghiệp. Các lĩnh vực có năng suất lao động, thu nhập và điều kiện lao động còn thấp so với một vài nền kinh tế ASEAN khác.
“Nếu không có sự quản lý quyết đoán, tiến trình thành lập ACE có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng và làm trầm trọng hóa những khiếm khuyết của thị trường lao động như việc làm phi chính thức và lao động nghèo”, ông Yoshiteru Uramoto nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Việt Nam nhận thức rõ những cơ hội và thách thức đi kèm ACE 2015, với quyết tâm không bỏ qua cơ hội, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực chuẩn bị hội nhập sâu rộng và đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình đó.
Tại buổi đối thoại chính sách, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần ưu tiên thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm trong các ngành nông nghiệp, đa dang hóa công việc trong các ngành chế tạo mới. Độ bao phủ phúc lợi xã hội, trong đó có cơ chế bảo hiểm thất nghiệp cần được mở rộng trên toàn quốc. Việt Nam cũng cần cải thiện hệ thống giáo dục trung học và đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với lao động có kỹ năng trung bình.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần cải thiện công tác bảo vệ nhóm lao động di cư và các hệ thống công nhận kỹ năng của họ, đặc biệt là trong các ngành nghề có kỹ năng thấp, trung bình chiếm tỷ lệ cao. Đồng thời, hệ thống thương lượng tập thể mới cũng đang là một yêu cầu bức thiết để tạo ra môi trường kinh doanh bền vững hơn.
Lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn khi AEC thành lập. Ảnh minh họa
|
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community, viết tắt AEC), chính thức có hiệu lực từ năm 2015, sẽ cho phép dịch chuyển lao động, dịch vụ, đầu tư và hàng hóa giữa 10 nước thành viên ASEAN diễn ra một cách tự do hơn. |