Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường lao động trước áp lực tăng dân số

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Môi trường kinh tế vĩ mô thiếu ổn định trong những năm qua đã tác động không nhỏ tới thị trường lao động trong nước. Nghiên cứu lực lượng lao động của Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, một xu hướng việc làm mới đã xuất hiện ở nước ta.

KTĐT - Môi trường kinh tế vĩ mô thiếu ổn định trong những năm qua đã tác động không nhỏ tới thị trường lao động trong nước. Nghiên cứu lực lượng lao động của Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, một xu hướng việc làm mới đã xuất hiện ở nước ta.

 

Theo đó, Việt Nam có tỷ trọng rất lớn việc làm nằm ngoài khu vực làm công ăn lương. Nếu tính chung lao động tự làm và lao động gia đình không được trả công thì có 6/10 lao động (tương đương 61,5% của tổng số lao động có việc làm) ở nước ta có thể coi là lao động dễ bị tổn thương. Trong đó, nữ giới là đối tượng thiệt thòi hơn cả khi nhận được ít việc làm bền vững hơn nam giới thể hiện ở tỷ lệ lao động dễ bị tổn thương ở nữ giới là 69,1% (cao hơn 14,7 điểm phần trăm so với tỷ lệ này của nam giới). Không thể phủ nhận nước ta đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng giới. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng cần coi vấn đề giới như là một chủ đề chính sách xuyên suốt để nâng cao vị thế của phụ nữ trong thị trường lao động, xét về mặt tiếp cận thị trường và chất lượng việc làm.

 

Cũng theo các dữ liệu phân tích của ILO, tỷ trọng việc làm dễ bị tổn thương giảm xuống 4,3 điểm phần trăm do sự gia tăng tỷ trọng lao động làm công ăn lương và gia tăng lao động tự làm. Tuy nhiên, sự gia tăng tỷ trọng lao động gia đình không được trả công (điểm phần trăm) lại đi ngược với xu thế giảm của nhóm việc làm dễ bị tổn thương.

 

Sự bùng nổ dân số trong những thập niên vừa qua đã tạo nhiều áp lực lớn đối với thị trường lao động Việt Nam. Ngoài những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, với dân số ước tính khoảng 20 triệu người ở khu vực thành thị thì phần lớn dân số Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở nông thôn. Tuy nhiên, theo khảo sát của ILO khi các thành phố mở rộng với lượng người không ngừng di cư từ các vùng nông thôn đã làm dân số thành thị tăng. Tỷ lệ dân số thành thị trong độ tuổi lao động trong vòng 3 năm qua tăng khoảng 1,8 triệu và vẫn có xu hướng tăng.

 

Một số liệu gây chú ý đó là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng đối với cả nam giới và nữ giới trong độ tuổi từ 15 - 19 tuổi (từ 37,1% lên 43,8%). Điều này phản ánh có một lượng lớn thanh thiếu niên rời bỏ nhà trường để tìm việc làm kiếm sống và hỗ trợ gia đình. Đây rõ ràng là hệ lụy của suy thoái toàn cầu khiến thị trường lao động đang phải đón nhận một "làn sóng" lao động có trình độ tay nghề và kỹ năng không cao. Thiết nghĩ, để hóa giải vấn đề này, cơ quan chức năng cần có chính sách đào tạo, giới thiệu việc làm cụ thể và rõ ràng nhằm hỗ trợ cho lực lượng lao động trẻ nhưng chưa thực "khỏe" này.