Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường Mỹ bất ngờ đi xuống

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 43,18 điểm, tương ứng 0,39%, xuống 11.126,28 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 3,19 điểm, tương ứng 0,27%, xuống 1.182,45 điểm.

KTĐT - Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 43,18 điểm, tương ứng 0,39%, xuống 11.126,28 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 3,19 điểm, tương ứng 0,27%, xuống 1.182,45 điểm.

Thị trường Mỹ bất ngờ đi xuống trong phiên giao dịch hôm qua (27/10), khi nhà đầu tư lo lắng trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ đưa ra gói giải cứu với quy mô nhỏ hơn nhiều so với dự đoán ban đầu.

Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 43,18 điểm, tương ứng 0,39%, xuống 11.126,28 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 3,19 điểm, tương ứng 0,27%, xuống 1.182,45 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 5,97 điểm, tương ứng 0,24%, lên 2.503,26 điểm.

Khối lượng giao dịch trên cả 3 sàn New York, American và Nasdaq ở mức thấp, khoảng 7,8 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức giao dịch trung bình 8,75 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ cổ phiếu giảm/tăng ở sàn New York là 2/1, còn ở Nasdaq là 8/5.

Thị trường dao động mạnh sau thông tin từ tờ Wall Street Journal cho hay, FED có thể chỉ bỏ ra vài trăm tỷ USD mua trái phiếu nhằm hạ thấp lãi suất, khuyến khích tín dụng và tiêu dùng.

Trong khi, ước tính về quy mô của chương trình, theo giới chuyên gia tại Bank of America Merrill Lynch cho đến Goldman Sachs, đều dao động từ 1.000 - 2.000 tỷ USD.

“Gói kích thích càng lớn thì thị trường càng được lợi. Nếu FED xử lý thận trọng, thị trường sẽ thoái lui", Michael Gault, chiến lược gia cao cấp thuộc tổ chức quản lý vốn Weiser, cho hay.

Những dự báo gây thất vọng về gói kích thích kinh tế đã đẩy lùi những thông tin kinh tế lạc quan về thị trường nhà đất và số đơn đặt hàng tiêu dùng bền.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán nhà mới tháng 9 tăng 6,6% lên 307.000 căn, cao hơn dự báo của các chuyên gia. Còn số đơn đặt hàng tiêu dùng bền (tính cả máy bay) tăng 3,3% trong tháng 9.

Phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm sâu nhất, chỉ số S&P 500 nguyên vật liệu giảm 0,9%. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu công nghệ tăng mạnh, trong đó đáng chú ý là cổ phiếu Broadcom tăng tới 11,7%, giúp Nasdaq đi lên.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động Phố Wall tăng 2,3%, đây cũng là phiên tăng thứ 3 liên tiếp.

Khu vực chứng khoán châu Âu cũng rực sắc đỏ. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 61,28 điểm, xuống 5.646,02 điểm. DAX của Đức hạ 45,80 điểm, xuống 6.568 điểm, CAC 40 của Pháp hạ 36,89 điểm, xuống 3.815,77 điểm.

Tại châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản là điểm sáng duy nhất của toàn khu vực, khi giá các cổ phiếu đã tăng 0,1%, do đồng Yên giảm giá so với USD, trong khi thị trường cũng lạc quan về lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp Nhật.

Hầu hết các thị trường chứng khoán khác ở châu Á đều giảm điểm, khi tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc giảm tốc, và giới đầu tư lo ngại các biện pháp kích thích tăng trưởng mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sắp đưa ra có thể không đủ để thúc đẩy nền kinh tế.