Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường nội địa - đòn bẩy giúp tăng GDP

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng mạnh đến trong nước, doanh nghiệp Việt tập trung vào thị trường nội địa là cơ hội để khôi phục sản xuất.

KTĐT - Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng mạnh đến trong nước, doanh nghiệp Việt tập trung vào thị trường nội địa là cơ hội để khôi phục sản xuất.

Thị trường trong nước là giá đỡ bù đắp sụt giảm kinh tế trong khủng hoảng, đẩy GDP cả nước tăng hơn 5% trong năm nay, một mức tăng cao nhất trong khu vực.

Số liệu thống kê của Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tại hội thảo các giải pháp cho doanh nghiệp sản xuất trong nước trở về chiếm lĩnh thị trường trong nước ngày 15/12, cho thấy, trong 11 tháng đầu năm, FDI giảm hơn 70%, xuất khẩu giảm 11,6% nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội trong nước lại tăng tới 18,5%.

Như vậy có thể khẳng định, thị trường trong nước là yếu tố quan trọng góp phần đưa GDP cả nước tăng hơn 5% trong năm nay, một mức tăng cao nhất trong khu vực. Với 86 triệu dân, trong đó 60% dân số trẻ độ tuổi dưới 35 và 72% dân số sống ở vùng nông thôn, thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam là "bà đỡ" tin cậy thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng mạnh đến trong nước, doanh nghiệp Việt tập trung vào thị trường nội địa là cơ hội để khôi phục sản xuất. Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nội địa đóng vai trò quan trọng, mỗi cá nhân chỉ cần tăng sức mua mỗi tháng 15.000- 20.000 đồng thì năm 2009 sức mua cả nước sẽ tăng thêm khoảng 16.000- 17.000 tỷ đồng. Mức tăng này sẽ bù đắp cho sự sụt giảm kinh tế trong thời gian qua.

Ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, chia sẻ, đã có lúc thị trường VN được xếp là thị trường có tốc độ tăng trưởng số 1 thế giới, với tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng từ 20-27% mỗi năm. Bởi vậy Việt Nam cần phải giữ vững vị trí này. Mặc dù người tiêu dùng bị "tổn thương" do cơn lạm phát cuối năm 2007 dẫn đến việc hạn chế chi tiêu, song, ông Ruệ cho rằng, nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của 86 triệu dân vẫn còn lớn. Thêm vào đó, bản thân người tiêu dùng đã có những thay đổi về tư duy, văn hóa tiêu dùng, biết tự điều chỉnh chi tiêu phù hợp với diễn biến của thị trường.

Đi tiên phong trong việc tấn công thị trường nội địa phải kể đến các hãng lớn như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, các công ty xuất khẩu thủy sản An Giang, Sài Gòn Co.op... Khi thị trường xuất khẩu thu hẹp, các "đại gia" xuất khẩu này sẵn sàng hạ giá bán, đẩy mạnh đưa hàng về các khu dân cư đông mà trước đây còn bỏ trống khiến thị phần nội địa tăng lên nhanh chóng. Chấp nhận lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ, nhưng sản phẩm các doanh nghiệp này đã được người tiêu dùng ghi nhận.

Mặc dù có tiếng vang lớn nhưng hiệu ứng trên chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp đã bỏ quên miếng mồi béo bở này mà mải mê chinh phục thị trường nước ngoài. Chỉ khi kinh tế thế giới suy giảm, doanh nghiệp nội mới quay trở về sân nhà như một cách trú chân tạm thời. Không ít doanh nghiệp chọn hàng chất lượng cao để xuất khẩu còn hàng tồn dùng để bán ở nội địa.

Ông Đỗ Gia Phan, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu cho rằng, nhiều doanh nghiệp bán hàng trong nước theo kiểu chụp giật dẫn đến tự hủy hoại chữ tín của chính mình. Ông Phan đưa ra ví dụ, tiêu biểu nhất là trong đợt khuyến mại rầm rộ vừa qua, nhiều cửa hàng quảng cáo giảm giá 50% nhưng thực tế chỉ có một, hai mặt hàng thừa ế giảm giá, 99% mặt hàng giữ nguyên hoặc giảm chút ít. Có nơi lại tăng giá gấp đôi rồi lại giảm giá một nửa. “Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng ủng hộ hàng Việt nhưng không phải ủng hộ bằng bất cứ giá nào. Khi lòng tin của người tiêu dùng bị lợi dụng, họ sẽ mất lòng tin vào thị trường nội địa”, ông Phan nhấn mạnh.

Hiện cả nước có khoảng 350.000 - 400.000 doanh nghiệp trong đó có 60- 70% doanh nghiệp phân phối. Chiếm lĩnh thị trường nội địa không quá khó nhưng doanh nghiệp nội cần phải thay đổi tư duy bán hàng. Hàng nội chỉ bán được khi các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra hàng hóa một cách trân trọng, tâm huyết với chất lượng tránh kiểu làm ăn tắc trách, qua quýt.

Thêm đó, để thị trường nội địa phát huy vai trò "bà đỡ" GDP trong thời kỳ khủng hoảng, ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho rằng, các doanh nghiệp nội cần được nhiều ưu đãi, giải pháp hỗ trợ đồng bộ hơn đặc biệt là miễn, giảm, giãn thuế cho hàng hóa và tư liệu tiêu dùng, hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị vật tư.