Lượng bán ra giảm nhưng giá vẫn tăng
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính chung cả năm 2017, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 272.750 xe, giảm 10% so với năm 2016. Nếu tính cả doanh số bán của một số hãng xe không thuộc VAMA thì con số này khoảng 310.000 xe. Quá nhiều người chờ mức thuế nhập khẩu xe về 0% vào 1/1/2018. Nhưng người tiêu dùng đã sốc khi giá xe đã không hề giảm như kỳ vọng, thậm chí không có hàng khiến nhiều người mua xe phải trả thêm tiền rất cao nếu muốn có xe đi ngay trước Tết. Để mua được một chiếc Toyota Fortuner trong thời điểm này, người mua có thể đối mặt với sự lắc đầu từ nhiều đại lý và hẹn tới tháng 6/2018. Nhưng nếu đồng ý với việc mua gói phụ kiện, hoặc sang lại hợp đồng, có mức chênh khoảng 100 đến 150 triệu, họ sẽ có xe ngay, đưa giá chiếc Fortuner lên tới hơn 1,5 tỷ. Hai mẫu Vios G và Corolla Altis 1.8G sản xuất 2018 hiện đã có giá niêm yết nhưng cũng tương tự, khách hàng sẽ phải chấp nhận lắp thêm phụ kiện để nhận xe trong tháng 2/2018.
Honda Việt Nam cũng vừa công bố giá bán chiếc CR-V 2018 phiên bản E giá bán 1,136 tỷ đồng; phiên bản G giá 1,176 tỷ đồng và bản L cao cấp nhất 1,256 tỷ đồng. Tuy nhiên, để có xe ngay trước Tết tại thời điểm này, người mua sẽ phải mua thêm gói phụ kiện từ 40 đến 60 triệu đồng, đẩy giá xe tới mức quá sốc so với công bố hồi tháng 11/2017. Khi đó Honda tạm tính cho bản E là 900 triệu đồng, bản G là 1,05 tỷ đồng và bản cao cấp nhất L chưa đến 1,1 tỷ đồng, giá trên dựa trên thuế nhập khẩu 0% năm 2018. Công ty Ford Việt Nam cũng không có giá bán tốt hơn năm 2017. Giá bán mẫu xe hút hàng là Ford Ranger cung cấp cho các đại lý đầu năm 2018 không hề giảm vì xe nhập khẩu vẫn chịu theo thuế suất của năm 2017. Tuy rằng Ford không tăng giá bán trực tiếp nhưng lại cắt giảm ưu đãi, khiến giá bán thực tế nhiều mẫu xe năm 2018 cao hơn năm 2017. Như chiếc bán tải Ford Ranger hiện đã trở về mức giá cũ từ 660 - 870 triệu/chiếc và giá bán đang nhích nhẹ tuỳ theo nhiều đại lý.
Chiến lược lâu dài?
Nhiều hãng ô tô lớn mới đây cũng tăng “sốc” cho thị trường khi tuyên bố ngừng hoạt động xuất khẩu xe vào Việt Nam và đổ lỗi cho Nghị định 116/2017 của Chính phủ, tăng cường các quy định chất lượng xe nhập khẩu. Trưởng Tiểu ban chính sách Hiệp hội VAMA Phạm Anh Tuấn đã xác nhận thông tin Honda, Toyota và một số hãng xe nước ngoài khác sẽ ngưng xuất khẩu xe vào Việt Nam.
Chủ tịch của Toyota Motor Thái Lan Michinobu Sugata nói: “Chúng tôi đã dự báo sẽ có bước nhảy vọt lớn trong năm 2018 nhưng do những rào cản phi thuế quan nên chúng tôi không thể xuất xe đến thị trường Việt Nam nữa”. Toyota Việt Nam bán nhiều dòng xe nhập từ nhà máy ở Thái Lan và Indonesia, đạt doanh số cao tại Việt Nam. Tính đến hết năm 2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 19% nhưng xe nhập khẩu tăng 9% so với cùng kì năm 2016. Một miếng bánh ngon, dễ ăn và có thể ăn ngay, nay đang bị Nghị định 116 làm khó. Vậy những tuyên bố dễ sốc về sự dễ dàng từ bỏ thị trường này, liệu có thật, trong khi các hãng này vẫn đang hứa hẹn giao xe cho khách vào quý II/2018.
Trao đổi về vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, một thị trường xe lành mạnh cần nhiều hơn những yếu tố tích cực và thiện chí. Nghị định 116/2017 tuy ngặt nghèo hơn nhưng đó là thích đáng cho những ưu đãi mà các hãng xe được Chính phủ chia đều suốt 20 năm qua, nhằm giảm bớt ảnh hưởng từ các nhà sản xuất bên ngoài. Sẽ có những điều khiến một vài nhà nhập khẩu xe không vui bởi mất nguồn thu nhanh chóng và trực tiếp, nhưng về lâu dài, cả một nền công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ được lợi. Bằng chứng là các hãng THACO, Hyundai Thành Công và VinFast mới đây đã có những công bố khá lạc quan, trong đó THACO có giá bán sốc cho loạt xe BMW vừa nhập về, chỉ sau một tuần ra mắt là nhà phân phối độc quyền của BMW tại Việt Nam.