Thị trường smartphone đua giảm giá

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã thành thông lệ, dịp cuối năm rất nhiều người có nhu cầu đổi điện thoại. Tuy nhiên, hiện chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Dương lịch 2020, nhưng sức mua smartphone không tăng như những năm trước.

 Ảnh minh họa
Khảo sát hệ thống siêu thị chuyên kinh doanh điện thoại, phóng viên Kinh tế & Đô thị ghi nhận, từ giữa tháng 11 đến nay hầu hết các sản phẩm smartphone từ bình dân đến cao cấp như iPhone, Vsmart Live, Samsung, Oppo… đều giảm sâu từ 500.000 đồng đến cả chục triệu đồng/máy. Đầu tháng 11 bộ 3 iPhone 11, 11 Pro và 11 Pro Max chính hãng mới có mặt trên thị trường, nhưng cuối tháng 11 sản phẩm này đã được hệ thống bán lẻ giảm giá từ 6 - 12%; trung bình, mỗi chiếc điện thoại iPhone 11 giảm khoảng 3 triệu đồng so với giá niêm yết trước đó. Thị trường hàng xách tay dòng máy này cũng giảm sốc cả chục triệu đồng, phần vì nguồn máy không còn khan hiếm như thời điểm iPhone mới ra mắt, phần vì cần tăng sức cạnh tranh với hàng chính hãng.
Trong khi đó, các dòng điện thoại Galaxy của Samsung cũng có sự điều chỉnh giá, cụ thể Galaxy S10+ bản 512 GB chính hãng được giảm đến 8 triệu đồng, còn 21 triệu đồng. Ngoài ra, một số sản phẩm Galaxy khác đều giảm giá sâu, trong đó Galaxy S10e giảm 4 triệu đồng; Samsung Galaxy A9 giảm 6 triệu đồng; Samsung Galaxy Note9 128 GB giảm 7 triệu đồng; Samsung Galaxy A50 64GB giảm 2 triệu đồng còn 5 triệu đồng.
Cùng với việc các dòng smartphone cao cấp đua nhau giảm giá, các dòng smartphone phổ thông giá rẻ cũng trong tình trạng tương tự. Thậm chí dòng điện thoại bình dân Vsmart Live có mức giảm tới 50%. Ngoài ra, nhiều dòng smartphone của Oppo, Huawei, Xiaomi cũng được giảm giá từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng tùy từng loại máy. Một số hệ thống bán lẻ quy mô nhỏ ít bị kiểm soát giá từ hãng so với hệ thống lớn còn dùng “chiêu” phá giá giảm thêm từ 200.000 đồng - 1 triệu đồng cho các mặt hàng smartphone tầm trung.
Lý giải nguyên nhân khiến các DN kinh doanh điện thoại smartphone liên tục giảm giá vào thời điểm cuối năm, CEO của hệ thống siêu thị Thế Giới Di Động Đoàn Văn Hiểu Em cho biết: Thị trường smartphone năm nay đã bão hòa và nhu cầu mua sắm cũng giảm rõ rệt hơn so với mọi năm. Điều này tác động lớn đến thị trường, nên DN kinh doanh mặt hàng này buộc lòng phải điều chỉnh giá bán, khuyến mại để kích cầu. “Việc các cửa hàng kinh doanh điện thoại di động buộc phải giảm giá khi DN sản xuất đưa ra thị trường sản phẩm mới là điều đương nhiên" - đại diện siêu thị Thế Giới Di Động nói.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong từ đầu năm đến nay thị trường điện thoại di động nói chung (gồm điện thoại cơ bản và smartphone) giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi thị trường tiêu thụ bão hòa thì việc giảm giá là điều bắt buộc để thu hút khách trước khi nghĩ đến việc tăng trưởng trở lại.