KTĐT - Các hãng sữa giải thích cho việc tăng giá là do biến động của giá ngoại tệ và nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, ngay cả khi nhìn thấy rõ sự vô lý này thì vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra để làm sáng tỏ.
Giá sữa trên thị trường đã ổn định sau khi áp dụng Thông tư số 122 của Bộ Tài chính từ 1/10.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các phụ huynh có con nhỏ, đây là sự ổn định không được mong chờ vì trước đó, hầu hết các hãng sữa nhập ngoại đã áp dụng “mức giá có tầm nhìn” trong thời gian dài.
Tăng giá trong tháng 9 để tháng 10 ổn định
Chị Nguyễn Thị Hà, chủ cửa hàng Hà Giang, chuyên bán các loại sữa nhập ngoại trên phố Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Chắc chắn bây giờ cho đến cuối năm sẽ không có hãng sữa nào dại dột tăng giá bán. Vì mọi chiến lược về giá chuẩn bị cho việc áp dụng Thông tư 122 đã được thực hiện trước đó”.
Chị Trần Thị Hiền, ngõ 28B Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội than thở: “Trong tháng 9 vừa qua, nhãn sữa mà con tôi dùng đã tăng thêm tới 40.000 đồng/hộp loại 900g. Trong khi đó, 1 tháng con tôi uống hết 3 hộp, đồng nghĩa với việc tôi phải mất thêm 120.000 đồng/tháng cho việc tăng giá này. Nếu tính tất cả các lần tăng giá sữa trong năm nay thì tôi đã mất thêm khoảng 500.000 đồng/tháng cho việc tăng giá nhãn sữa mà con trai tôi đang uống. Trong khi đó, thu nhập gần 5 năm nay chỉ tăng được gần 400.000 đồng/tháng, không bằng mức tăng của giá sữa trong vòng 9 tháng qua”.
Ông Phạm Gia Khải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Nam (VNA) cho rằng: “Trong tháng 9, không có lý do chính đáng để các hãng sữa tăng giá. Vì 3 yếu tố chính tác động đến giá sữa là giá nguyên liệu sữa, tỉ giá ngoại tệ, chính sách thuế đều không có gì thay đổi. USD hiện nay đứng mức cao nhưng 3 tháng trở lại đây, biên độ thay đổi tỉ giá không đáng kể, trong khi thuế nhập khẩu đã giảm từ 10% xuống 5%; Giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm”.
Sữa vẫn “lộng hành” trong thời điểm “quản thúc”
Theo quy định hiện nay, các hãng sữa nhập khẩu tại Việt Nam không có trách nhiệm phải giải trình các yếu tố cấu thành giá bán. Kết quả điều tra mới công bố của Bộ Tài chính, công thức tính giá bán của nhiều hãng sữa chỉ đơn giản là lấy giá nhập khẩu cộng thêm 40-45% lãi gộp. Trong khi đó, theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội năm 2009, mức chênh lệch giữa giá sữa bột nhập khẩu theo tờ khai hải quan và giá niêm yết của một số loại sữa bột lên tới 220% đến 285%.
Các hãng sữa giải thích cho việc tăng giá là do biến động của giá ngoại tệ và nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, ngay cả khi nhìn thấy rõ sự vô lý này thì vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra để làm sáng tỏ.
Ông Đỗ Gia Phan, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: “Giá sữa tại thị trường Việt Nam hiện nay tăng rất nhiều so với mức tăng tỷ giá. Cao một cách phi lý mà ai cũng có thể nhận ra nhưng vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra đảm nhiệm việc phân xử sự gian lận để trục lợi trong trường hợp này.
Thiết nghĩ trước mắt các cơ quan chức năng cũng nên đưa ra khung biến động của tỷ giá cho việc điều chỉnh giá những hàng hoá nhập khẩu trong đó có sữa nhằm tránh tình trạng “đục nước béo cò”. Và cách tốt nhất để người tiêu dùng không bị thua thiệt bởi sữa ngoại thì các bà mẹ nên cho con sử dụng sữa nội vì chất lượng không thua kém sữa ngoại nhưng giá thành chỉ bằng 1/2 sữa ngoại”.
Trong khi người tiêu dùng băn khoăn trước sự chênh lệch của giá sữa nội và ngoại thì kết quả thử nghiệm của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) trên 9 mẫu sữa sản xuất tại Việt Nam và 7 mẫu sữa nhập khẩu cho thấy, các chỉ tiêu về an toàn vi sinh vật, kim loại nặng và hàm lượng dinh dưỡng của sữa nội và sữa ngoại tương đương nhau, đều đạt mức quy định của Bộ Y tế.
Theo kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, giá bán lẻ của sữa nhập khẩu cao hơn 46% so với giá sữa sản xuất trong nước. Giá bán lẻ trung bình của sữa nước ngoài là 32.100 đồng/lít, giá sữa nước sản xuất tại Việt Nam 22.000 đồng/lít. Giá sữa bột loại 400g của nhãn sữa Dielac Alpha tuỳ theo từng độ tuổi mà có mức dao động từ 58.000- 74.000 đồng/hộp và loại 900g dao động từ 137.000- 148.000 đồng/hộp. Sữa Nestle gấu loại 400g dao động từ 54.000- 65.000 đồng/hộp và loại 900g dao động từ 100.000- 120.000 đồng/hộp. Trong khi đó, với các nhãn sữa nhập ngoại thì thường có mức giá tương đương là từ 230.000 đồng/hộp và 420.000 đồng/hộp trở lên.