Thị trường tài chính giữa bão Covid-19: Dòng tiền về đâu?

Phan Linh - Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu xuống mức âm, vàng lập hết đỉnh này đến đỉnh khác, thị trường chứng khoán (TTCK) lao dốc hay FED tuyên bố bơm tiền không giới hạn để cứu nền kinh tế… Đó là những diễn biến “chưa từng có trong lịch sử” trên thị trường tài chính thế giới cũng như Việt Nam thời gian qua, nhất là trong bối cảnh “cơn bão” dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay. Thị trường sẽ đi về đâu và nên làm gì vào thời điểm này là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra?

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính của thế giới và Việt Nam. Ảnh: Công Hùng
Từ bán tháo đến bơm tiền không giới hạn
Thông thường, các kênh đầu tư thường biến động ngược chiều nhau, ví dụ như giá vàng tăng thì chứng khoán giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường tài chính lại chứng kiến hiện tượng tất cả các tài sản đều đồng loạt giảm.
Trên thế giới, thời điểm khi mới bùng dịch Covid-19 ở Mỹ, chứng khoán giảm 22%, giá dầu WTI giảm 50%, vàng giảm 12%, bitcoin giảm 10% chỉ trong 2 tuần đầu tháng 3/2020. Tất cả các tài sản đều được kích hoạt chế độ bán tháo trên diện rộng tạo tâm lý hoảng loạn trong giới đầu tư. Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này là khi dịch Covid-19 bùng phát bất ngờ khiến cho giới đầu tư lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế.
Lo ngại này gây ra hiện tượng call marin bán tháo trên diện rộng, các quỹ đầu tư lớn với danh mục đầu tư rất đa dạng như vàng, hàng hóa thậm chí cả tiền điện tử sẽ phải ưu tiên tiền mặt. Do vậy, các quỹ này cũng phải cơ cấu danh mục về ngưỡng an toàn.
Ngay sau đó, FED đã có những hành động rất quyết liệt như hạ lãi suất cơ bản về mức kịch sàn. Tuy nhiên, liều thuốc này vẫn chưa đủ mạnh với thị trường vì cái mà nền kinh tế cần không phải là lãi suất thấp mà chính là thanh khoản. Chỉ sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố bơm tiền không giới hạn thì thị trường chứng khoán Mỹ lúc đó mới tạo đáy đi lên.
Và chỉ trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2020 FED đã mua gần 3.000 tỷ USD trái phiếu và chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường Mỹ - con số lớn hơn cả GDP Ấn Độ năm 2019. Bảng cân đối của FED đã tăng từ 4.000 tỷ USD lên hơn 7.000 tỷ USD chỉ trong vài tháng.
Nếu so sánh với cuộc khủng hoảng năm 2008 thì FED cũng bơm một lượng tiền tương tự để cứu thị trường nhưng bơm trong vòng khoảng 5 năm chứ không phải 5 tháng như bây giờ. Điều đó cho thấy, lượng tiền vừa rồi được bơm một cách nhanh và mạnh thế nào. Nó khiến cho dòng tiền được chảy vào các kênh tài sản đầu cơ cao như chứng khoán, vàng và tiền điện tử.
Việc bơm tiền ồ ạt sẽ khiến trong trung dài hạn đồng USD sẽ dần mất giá do GDP của nước Mỹ hay thế giới không thể tăng nhanh và mạnh kịp với tốc độ in tiền của FED. Do vậy, giá trị của mỗi đồng USD sẽ dần bị pha loãng và dần dần sẽ mất giá. Khi nền kinh tế đi vào suy thoái thì dòng tiền sẽ ưu tiên tập trung vào những tài sản phi rủi ro, mà vàng luôn là sự lựa chọn số 1. Không chỉ của các nhà đầu tư cá nhân, không chỉ của các quỹ đầu tư mà còn là nơi trú ẩn của các quốc gia.
Quan sát có thể thấy, từ năm 2018, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vàng với tốc độ chưa từng thấy kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nguyên nhân do lo ngại về các bất ổn địa chính trị và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo, trong năm 2018, ngân hàng trung ương của các nước như Nga, Trung Quốc, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan đều gia tăng mua vàng để bổ sung vào kho dự trữ vàng quốc gia. Hội đồng Vàng thế giới (World Gold Council – WGC) ước tính các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang nắm giữ gần 34.000 tấn vàng.
Thêm vào đó từ 2016, sản lượng vàng khai thác trên toàn thế giới đi ngang ở mức 3.500 tấn/năm. Nguyên nhân vì vàng dễ khai thác (các mỏ lộ thiên) đã cạn kiệt cùng chính sách môi trường của các Chính phủ nên chi phí khai thác vàng đã cao hơn rất nhiều.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ đe dọa gây ra một cuộc chiến tranh tiền tệ. Điều này khiến cho giới đầu tư coi vàng là hầm trú ẩn an toàn số một.
Thị trường tài chính Việt Nam về đâu, nhà đầu tư nên làm gì?
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các thị trường vốn, tài chính, tiền tệ cũng biến động liên tục kéo theo những diễn biến cùng chiều trên thị trường Việt Nam.
Ảnh hưởng của thế giới nên thời gian qua, thị trường vàng và chứng khoán Việt cũng khiến nhiều nhà đầu tư “hoa mắt, chóng mặt”. Tỷ giá cũng giảm hoặc nỗ lực đi ngang trong bối cảnh chỉ số giá USD thế giới giảm sâu.
Về lời khuyên đầu tư thời điểm này và sắp tới, việc giá vàng tăng mạnh và sốc như hiện nay sẽ khiến kim loại quý này có khả năng điều chỉnh giảm trong ngắn hạn. Do vậy, các nhà đầu tư cũng không nên phải mua vàng ngay để tích trữ bằng mọi giá mà nên đợi thị trường hạ nhiệt. Về mặt trung hạn, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong 1 - 2 năm tới và có thể chạm ngưỡng 70 triệu đồng/lượng.
Còn trên thị trường chứng khoán, khi làn sóng Coivid-19 thứ 2 rộ lên, đặc biệt khi Việt Nam phát hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng nhiểu thêm, thị trường này đã có những phiên thảm khốc. Tuy nhiên, sau những phiên hoảng loạn, chứng khoán lại có những cú phục hồi đáng ghi nhận. Và nhà đầu tư nên tận dụng những phiên hồi phục hiếm hoi này để thoát hàng.
Với dự đoán, khả năng lần này, chính sách của Chính phủ và các cơ quan chức năng là sẽ có các biện pháp để vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch, chứ không thực hiện giãn cách toàn xã hội như đợt Covid trước đây, nhiều khả năng, thị trường sẽ có thêm nhiều phiên hồi phục.
Có thể nói, dịch Covid-19 là một ngòi nổ, một cú bóp cò cho khủng hoảng xảy ra. Từ năm 2018 đến nay, thị trường chứng khoán ở giai đoạn tích lũy, tăng trưởng và theo chu kỳ, đây sẽ là giai đoạn suy thoái.
Trong bối cảnh các DN bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19, nhà đầu tư nên canh mua các cổ phiếu bị ảnh hưởng nhẹ bởi Covid -19 và các cổ phiếu có kết quả tăng trưởng đột biến. Và nên tránh nhóm VN30 và các cổ phiếu vốn hóa lớn vì các mã “đại gia” này thường bị rung lắc khá nhiều bởi dịch bệnh.

Động thái giảm lãi suất huy động thời gian qua giúp cho ngân hàng cắt giảm chi phí vốn, đồng thời cũng bảo vệ biên lãi thuần khỏi sự suy giảm mạnh. Tuy nhiên, xu hướng này cũng dấy lên lo ngại sẽ có sự chuyển dịch dòng tiền sang các lĩnh vực hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản và trái phiếu”.

Đánh giá của Công ty Chứng khoán KB

Với kênh trái phiếu DN, tổng lượng trái phiếu DN phát hành 6 tháng đầu đầu năm ước đạt 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn, do các thông tin phát hành vẫn đang được công bố. Rõ ràng, trái phiếu DN đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, trong đó, trực tiếp nhất là kênh tiền gửi do có cùng tính chất là các khoản đầu tư có thu nhập cố định”.

Báo cáo của Trung tâm Phân tích - Công ty CP Chứng khoán SSI