Với việc tự do hóa luồng hàng hóa dịch vụ, tự do hóa dòng chu chuyển đầu tư và tự do hóa dòng vốn, AEC được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội cho sự phát triển thị trường tài chính, cho nền kinh tế của các nước AEC nói chung và cho Việt Nam nói riêng. 1. Khung khổ hội nhập tài chính AEC Nhằm tăng cường phát triển thị trường tài chính khu vực để hướng tới mục tiêu thành lập AEC, tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính ASEAN lần thứ 19 và hội nghị chung giữa Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ nhất ngày 21/3/2015, các nhà lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương ASEAN đã đạt được nhất trí cao trong việc tăng cường phát triển thị trường tài chính khu vực, đồng thời quyết tâm phối hợp chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hội nhập tài chính, tiền tệ khu vực sau khi AEC được thành lập. Thị trường tài chính giữa các nước thành viên trong ASEAN hiện nay phát triển không đồng đều, do vậy lộ trình hội nhập AEC, tự do hóa thị trường tài chính theo công thức “ASEAN - X” cho phép các nước thành viên đã sẵn sàng hội nhập ngay, trong khi một số nước khác sẽ tham gia sau. Quyết định chia lộ trình tự do hóa thành các giai đoạn nhằm đảm bảo các nước thành viên có được sự chuẩn bị tốt nhất khi chính thức thành lập cộng đồng AEC vào năm 2015. Lộ trình hội nhập tài chính AEC cũng đã được vạch ra cho các giai đoạn 2015-2020 (chi tiết tại phụ lục 1và 2). Về cơ bản, đến năm 2015 sẽ loại bỏ hạn chế đối với lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và thị trường vốn phân ngành, tự do hóa dòng chảy của vốn đầu tư gián tiếp, tự do hóa dịch vụ môi giới và các sản phẩm tài chính; Hài hòa hóa tiêu chuẩn thị trường vốn tại ASEAN đối với các lĩnh vực có quy định về chứng khoán nợ, yêu cầu công bố thông tin và các quy tắc phân bổ…. Lộ trình hội nhập tài chính của AEC được xây dựng gồm: tự do hóa dịch vụ tài chính, tự do hóa tài khoản vốn và phát triển thị trường vốn, xây dựng hệ thống thanh toán chung. Đối với tự do hóa dịch vụ tài chính: Nhiều sáng kiến đã được thực hiện nhằm thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới giữa các thị trường tài chính trong khu vực ASEAN. Hiện nay, tự do hóa dịch vụ tài chính đang thực hiện đàm phán Gói cam kết thứ 6 bao gồm bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng và dịch vụ tài chính khác. Mặc dù chưa đạt được nhiều tiến bộ đối với tự do hóa ngân hàng nhưng các nước ASEAN vẫn đang nỗ lực để tìm ra khuôn khổ chung cho phép các ngân hàng ASEAN đạt tiêu chuẩn mở rộng hoạt động ở các nước thành viên. Đối với tự do hóa tài khoản vốn: Do có sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực tài chính, mức độ mở cửa tài khoản vốn cũng như những bất ổn mà nền kinh tế có thể gặp phải khi tự do hóa tài khoản vốn, lộ trình AEC đã xác định, việc tự do hóa tài khoản vốn phải đảm bảo thống nhất với lộ trình của từng quốc gia cũng như sự sẵn sàng của nền kinh tế. Phải thực hiện các giám sát về khả năng mất ổn định kinh tế vĩ mô tiềm tàng cũng như những rủi ro hệ thống có thể xuất hiện trong quá trình tự do hóa. Đảm bảo việc chia sẻ lợi ích từ tự do hóa tài khoản vốn giữa các nước ASEAN. Theo lộ trình đó, ASEAN đã đưa ra được khung khổ liên kết ngân hàng ASEAN, cho phép ngân hàng của một nước thuộc ASEAN tự do hiện diện sang một nước khác. Bên cạnh đó, ASEAN đã và đang nỗ lực thực hiện nới lỏng hạn chế đối với các giao dịch mua bán ngoại tệ, thanh toán cho các giao dịch chuyển tiền nhằm thực hiện tự do hóa tài khoản vốn. Đối với phát triển thị trường vốn: Để xây dựng và phát triển thị trường vốn chung, các nước AEC tập trung vào tự hóa các dịch vụ tài chính, hài hòa hóa các tiêu chuẩn về thị trường vốn trong khu vực, công nhận lẫn nhau về bằng cấp, đào tạo và kinh nghiệm của các chuyên gia thị trường… Nhằm phát triển thị trường vốn, “Kế hoạch thực hiện hội nhập thị trường vốn” đã được xây dựng, chiến lược trung hạn nhằm hướng dẫn công việc của Ủy ban công tác phát triển thị trường vốn đã được thông qua. Các nước xây dưng biểu đánh giá phát triển thị trường trái phiếu nhằm xác định mức chênh lệch thị trường và phát triển một khuôn khổ cho ASEAN, đồng thời thông qua đó đánh giá tiến độ đạt được so với các ưu tiên đưa ra. Đối với việc xây dựng hệ thống thanh quyết toán: Hiện nay, các nước ASEAN đang áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau khiến hệ thống thanh toán, quyết toán trong khu vực không tương thích. Do vậy, AEC sẽ phát triển hệ thống thanh toán thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn chung nhằm tạo điều kiện tài chính xuyên biên giới hiệu quả, cải thiện cơ sở hạ tầng về thanh toán hiện nay. 2.Cơ hội thị trường tài chính Việt Nam từ AEC Theo lộ trình đã cam kết, đến năm 2015, Việt Nam sẽ phải mở cửa, xóa bỏ các hạn chế trong các ngành ngân hàng, bảo hiểm và các thị trường vốn. Điều này bao hàm tự do hóa 4 phương thức cung cấp thương mại dịch vụ qua biên giới như được định nghĩa trong WTO là: (i) cung cấp thương mại dịch vụ qua biên giới (phương thức 1); (ii) Tiêu dùng (sử dụng dịch vụ) ở nước ngoài (phương thức 2); (iii) Hiện diện thương mại (Phương thức 3) và (iv) Tự do dịch chuyển cá nhân (Phương thức 4). Với việc thực hiện lộ trình các cam kết từ AEC trong lĩnh vực tài chính, thị trường tài chính Việt Nam sẽ trở nên liên thông với thị trường các nước AEC, sẽ đem đến nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức đối với thị trường tài chính trong nước. Về cơ hội, việc xóa bỏ rào cản và sự khác biệt giữa các quốc gia trong khối là để tạo ra thị trường bình đẳng cho các công ty trong nước với các công ty nước ngoài. Hiện nay, đối với lĩnh vực ngân hàng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30%, đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán là 49%. Tuy nhiên, theo cam kết về tự do hóa dịch vụ, đến năm 2015 các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức quy định tối thiểu có 70% vốn nước ngoài tham gia. Như vậy, các nhà đầu tư từ các nước thành viên AEC có thể tham gia sâu hơn vào thị trường bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán của Việt Nam và ngược lại. Đây là cơ hội mở ra cho thị trường tài chính Việt Nam trên một số góc độ sau: Thứ nhất, mở rộng cơ hội đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ tài chính, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu vốn. Để đón đầu AEC tại Việt Nam, nhiều ngân hàng thương mại tại các nước ASEAN như Kasikorn của Thái lan, Ngân hàng phát triển Singapore, Maybank của Malaysia… đã bắt đầu thành lập văn phòng đại diện ở Việt Nam. Tuy nhiên, dự kiến không chỉ các ngân hàng, mà các tập đoàn, công ty bảo hiểm chứng khoán cũng sẽ mở rộng hoạt động ở Việt Nam khi AEC đi vào hoạt động. Sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam một mặt mang lại cơ hội cho người tiêu dùng có sự lựa chọn đa dạng hóa hơn đối với các sản phẩm tài chính, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao do các DN phải cạnh tranh khốc liệt hơn, không chỉ với các đối thủ trong nước mà cả các đối thủ trong các nước AEC. Bên cạnh việc phục nhu cầu tài chính cho các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) còn có thể thu hút khách hàng Việt Nam dựa trên uy tín thương hiệu trên thị trường cũng như sức mạnh tài chính dồi dào và sản phẩm đa dạng, chất lượng. Ngoài ra, AEC có thể sẽ giúp tăng cường phạm vi che phủ và mức độ phục vụ ngành dịch vụ tài chính ở những vùng, những ngành mà mức độ thâm nhập và phục vụ của các dịch vụ tài chính vẫn còn thấp. Thứ hai, hội nhập tài chính AEC sẽ giúp các DN trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán của Việt Nam mở rộng thị phần và tiếp cận các công nghệ quản trị tiên tiến. Quy mô GDP của các nước ASEAN đạt trên 2,3 nghìn tỷ USD và tốc độ tăng trưởng trên 5% mỗi năm, lượng dân số khoảng trên 625 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, mức thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 4.000 USD/người/năm, AEC với việc tự do hóa dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ trong khu vực ASEAN sẽ khuyến khích các hoạt động kinh doanh và đầu tư lớn hơn ở khu vực. Ngành bảo hiểm trong khu vực sẽ được hưởng lợi đáng kể từ dòng chảy lao động và dịch vụ logistics giữa các nước thành viên ASEAN, giữa ASEAN và 2 nước Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài ra, vận tải đường biển, đường bộ và đường hàng không sẽ đòi hỏi phát triển thêm các sản phẩm bảo hiểm mới dành cho thị trường ASEAN/Trung Quốc. AEC 2015 cũng sẽ mở rộng số lượng các loại bảo hiểm bắt buộc ở các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như sản xuất. Đầu tư nước ngoài trực tiếp gia tăng và hoạt động kinh tế ở khu vực đương nhiên sẽ mang lại việc gia tăng nhu cầu về các dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán ở Đông Nam Á. Các DN Việt Nam sẽ đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhiều hơn ở các nước khác trong khu vực ASEAN… Đây là cơ hội tốt để các DN Việt Nam nắm bắt thời cơ mở rộng thị trường. Trên thực tế, một số ngân hàng Việt Nam cũng đã có mặt ở thị trường các nước ASEAN, nỗ lực mở rộng cơ hội đầu tư ra ngoài lãnh thổ. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên khi ACE chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc mở rộng thị phần của các ngân hàng Việt Nam nói riêng và ngành dịch vụ tài chính nói cung cũng chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ từ các nước lớn trong ASEAN. Cùng với đó, sự tham gia điều hành, quản trị của các nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán là yếu tố quan trọng để cải thiện nhanh chóng trình độ quản trị kinh doanh tại các doanh nghiệp đó. Các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội nhận được sự hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới của nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ xây dựng năng lực quản trị tiên tiến. Các ngân hàng trong nước sẽ được tăng cường khả năng phòng ngừa và xử lý rủi ro nhờ áp dụng công nghệ ngân hàng, kỹ năng quản trị, phát triển sản phẩm mới. Thứ ba, tự do hóa đầu tư, tự do hóa dòng vốn sẽ tạo thuận lợi để phát triển thị trường tài chính sâu hơn. Sự tự do luân chuyển các dòng vốn đầu tư của AEC sẽ có tác động tích cực đến phát triển hệ thống tài chính của Việt Nam không chỉ theo chiều rộng và còn theo cả chiều sâu. Đối với thị trường chứng khoán, sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư chứng khoán, các tập đoàn tài chính lớn sẽ góp phần làm chuyên nghiệp hóa thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó tăng cường kinh nghiệm và nâng cao tiêu chuẩn về quản trị công ty, khả năng phân tích, đầu tư cho các DN trong nước. Sự luân chuyển tự do của các dòng vốn cũng khiến cho quy mô của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng tăng lên đáng kể và trở thành kênh huy động vốn của DN, đáp ứng các nhu cầu về vốn của nền kinh tế. Ngoài ra, tự do hóa tài khoản vốn sẽ tái phân bổ đầu tư từ nước giàu vốn nhưng có lợi suất sinh lợi thấp sang nước nghèo vốn nhưng có suất sinh lợi cao. Do vậy, AEC sẽ tạo ra cơ hội để Việt Nam có thể thu hút được nhiều vốn FDI hơn nữa, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, tự do hóa tài khoản vốn tạo ra cơ hội đa dạng hóa rủi ro (tài sản trong nước có thể được kết hợp trong một danh mục đầu tư quốc tế rộng lớn), từ đó, giảm chi phí vốn cho các doanh nghiệp trong nước. 3.Thách thức cho thị trường tài chính Việt Nam Tham gia cộng đồng AEC là cơ hội để thị trường tài chính Việt Nam phát triển và hoàn thiện, tuy nhiên AEC cũng đem lại không ít thách thức: Thứ nhất, Khi AEC đi vào hoạt động, việc thực hiện cam kết AEC sẽ đặt ra không ít thách thức thị trường tài chính Việt Nam. Sự tham gia của các định chế tài chính, các tập đoàn tài chính lớn vào thị trường sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho thị trường tài chính trong nước. Tự do hóa thị trường tài chính trong điều kiện chuẩn mực quản lý còn yếu kém, làm cho vấn đề bất đối xứng về thông tin (rủi ro đạo đức) trên thị trường tài chính trở nên trầm trọng hơn, làm tăng khả năng tổn thương của hệ thống tài chính. Theo một số khảo sát gần đây, chỉ 30% DN Việt Nam hiểu biết đủ về AEC để lên kế hoạch kinh doanh. Đặc biệt, các DN nhỏ và vừa hầu như không biết gì về AEC. Đây là thách thức không nhỏ đối với hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế Việt Nam do khả năng chống đỡ các cú sốc của DN Việt rất kém, thiếu chiến lược dài hạn. Thứ hai, tự do hóa dịch vụ tài chính, tự do hóa tài khoán vốn có thể làm gia tăng bất ổn cho thị trường và hệ thống tài chính. Sự gia tăng dòng vốn, đặc biệt từ nước ngoài vào cũng làm gia tăng mối lo về bong bóng giá tài sản và cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ độc lập. Bên cạnh đó, dòng vốn được tự do luân chuyển sẽ làm tăng nguy cơ đảo chiều rút vốn đột ngột, đặc biệt với quy mô lớn sẽ là nguyên nhân mất ổn định đối với thị trường tài chính. Thứ ba, tự do hóa các dịch vụ tài chính, tài khoản vốn và đầu tư cũng khiến cho tình trạng hệ thống tài chính quốc gia và nền kinh tế sẽ chịu nhiều tác động từ các diễn biến kinh tế tài chính của các nền kinh tế khác. Nền kinh tế các nước trở nên liên thông với nhau, do vậy, khi khủng hoảng kinh tế tài chính xảy ra ở một nước sẽ nhanh chóng lây lan và ảnh hưởng tới nước phụ thuộc. Thứ tư, rủi ro tài chính đối với các khoản nợ nước ngoài không kiểm soát. Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác đều có nhu cầu vay vốn từ bên ngoài nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Khi tự do hóa tài chính giúp thu hút được nhiều đầu tư từ nước ngoài, việc vay nợ nhiều hơn, tuy nhiên, nợ nước ngoài nếu không kiểm soát được sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro tác động tiêu cực đến an ninh tài chính quốc gia. Thứ năm, những thách thức đối với năng lực của hệ thống giám sát: Với một thị trường chung cho toàn khu vực ASEAN, việc nhận diện và giám sát rủi ro hệ thống tài chính là yêu cầu thiết yếu ở mọi quốc gia, nhất là các nước mới phát triển thể chế tài chính thị trường. Tại Việt Nam, giám sát dựa trên rủi ro còn chưa được chú trọng, công cụ phục vụ giám sát vẫn còn chưa đầy đủ. Bản thân các cơ quan thanh tra giám sát tài chính cũng còn nhiều bất cập về nhân lực, phương tiện kỹ thuật và công nghệ thu thập, xử lý thông tin; các mô hình phân tích định lượng, cảnh báo, kiểm định rủi ro cho cả hệ thống tài chính và cho từng định chế tài chính còn ít được ứng dụng phục vụ cho hoạt động giám sát từ xa… Do vậy, giám sát thị trường tài chính và hệ thống tài chính trong bối cảnh hội nhập sẽ là thách thức không nhỏ đối với hệ thống giám sát của Việt Nam. 4. Một số khuyến nghị Như vậy, việc tham gia AEC mang lại một số cơ hội cũng như thách thức cho thị trường tài chính Việt Nam. Để có thể tận dụng được những cơ hội này và hạn chế thách thức thì một số giải pháp cần được tập trung hướng tới, cụ thể: Đối với cơ quan quản lý Nhà nước Tăng cường và không ngừng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ trong môi trường kinh tế vận hành theo thông lệ quốc tế. Tăng cường tuyên truyền cho các doanh nghiệp các thông tin về cộng đồng kinh tế ASEAN, về lộ trình, về những việc cần phải thực hiện cũng như các thách thức và cơ hội mà AEC mang lại cho nền kinh tế nói chung và cho thị trường tài chính nói riêng. Các cơ quan chuyên ngành cần có đánh giá riêng để từ đó có các chính sách phát triển phù hợp. Nâng cao năng lực giám sát thị trường tài chính nhằm kịp thời đối phó với những biến động của dòng vốn, những ảnh hưởng lây lan từ khủng hoảng tài chính của một nước trong khu vực. Đối với hiệp hội ngành nghề Tiếp tục đẩy mạnh vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, tạo điều kiện kết nối giao lưu giữa các doanh nghiệp hội viên; tăng cường phổ biến thông tin hội nhập về pháp luật của các nước, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, quản lý chất lượng, các quy tắc xuất xứ... cho doanh nghiệp hội viên; hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu. Tổ chức rất nhiều các chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư theo thị trường, ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị thương hiệu của sản phẩm, doanh nghiệp tới các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động cung cấp và tư vấn cho các doanh nghiệp về pháp luật kinh doanh, các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cũng như kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện quốc tế, các rào cản thương mại của các thị trường xuất khẩu. Đối với doanh nghiệp Cần phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các quy định về thị trường tài chính theo thông lệ quốc tế, về mục tiêu và lộ trình của AEC về hội nhập tài chính. Cần chủ động đầu tư, đổi mới trang thiết bị công nghệ theo chiều sâu, đào tạo, nâng cao tay nghề và năng lực của người lao động để giảm chi phí lao động… có như vậy thì chi phí sản xuất mới có thể giảm được, từ đó có thể thu hút đầu tư. Cần chủ động tạo sự liên kết, gắn bó giữa các doanh nghiệp, nhất là sự liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, nhằm giảm thiểu các rủi ro cũng như phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp này do sự cạnh tranh khốc liệt trong quá trình tham gia AEC. Cần có chiến lược phát triển quan hệ lâu dài với các đối tác trong khu vực. Doanh nghiệp cần coi trọng đầu tư đổi mới công nghệ, năng lực quản lý, tăng chất lượng dịch vụ tài chính; cần nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường các nước trong khu vực để có chiến lược thâm nhập thị trường tài chính các nước trong khu vực phù hợp. Phụ lục 1. Lộ trình hội nhập tài chính ASEAN (Nguồn: Kế hoạch chi tiết AEC và Pariwat Kanithasen, et al., 2011)
Phụ lục 2. Cam kết tự do hóa dịch vụ tài chính đến năm 2015 của AEC (Nguồn: Kế hoạch chi tiết AEC)
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tài liệu hội thảo: “Tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”, tháng 10/2013 - Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; 2. Tài liệu hội thảo: “Đánh giá mức độ sẵn sàng của Việt Nam về các khía cạnh kinh tế - xã hội trước thềm cộng đồng kinh tế ASEAN2015”, tháng 12/2014- Mutrap và CIEM; 3. ASEAN Financial Integration - 2015 International Monetary Fund; 4. ASEAN integration in services- association of southeast asian nations; Mid-Term Review of the Implementation of AEC Blueprint: Executive Summary.
Mục tiêu | Năm 2015 | Năm 2020 | |
Tự do hóa dịch vụ tài chính (FSL) | Đạt được sự tự do đối với các luồng dịch vụ tài chính Nguyên tắc: các quốc gia thành viên sẽ chuẩn bị danh mục chỉ dẫn các phân ngành dịch vụ tài chính và phương thức tự do hóa; các vòng đàm phán được thực hiện trên cơ sở đơn phương kết hợp và/hoặc cơ chế yêu cầu/bản chào. | Tự do hóa cách tiếp cận và hạn chế đối với QABs Đến năm 2015, loại bỏ hạn chế đối với lĩnh vực Bảo hiểm, ngân hàng và thị trường vốn phân ngành (các nước thành viên đã xác định theo phụ lục I – Kế hoạch chi tiết AEC 2008) | - Đến năm 2017, thống nhất danh mục một số trường hợp linh hoạt đã được thỏa thuận trước đó mà mỗi nước thành viên có thể áp dụng từ năm 2020. - Loại bỏ hạn chế đối về thương mại trong lĩnh vực dịch vụ cho các ngành còn lại |
Tự do hóa tài khoản vốn (CAL) | Loại bỏ hạn chế và kiểm soát vốn để thuận lợi hóa lưu chuyển vốn, bao gồm loại bỏ các hạn chế về giao dịch tài khoản vãng lai, FDI và luồng vốn đầu tư gián tiếp. | Tự do hóa dòng chảy ra của vốn gián tiếp | Tự do hóa các luồng khác (vay/cho vay) |
Phát triển thị trường vốn (CMD) | Tăng cường trung gian tài chính, nâng cao năng lực và quản lý rủi ro để hỗ trợ tăng trưởng của quốc gia và khu vực, cũng như để giảm tính dễ bị tổn thương đối với những cú sốc từ bên ngoài và biến động thị trường. | - Tự do hóa dịch vụ môi giới và các sản phẩm tài chính. - Hài hòa hóa tiêu chuẩn thị trường vốn tại ASEAN đối với các lĩnh vực có quy định về chứng khoán nợ, yêu cầu công bố thông tin và các quy tắc phân bổ. - Tạo điều kiện thoả thuận công nhận lẫn nhau hoặc thoả thuận công nhận chéo bằng cấp, đào tạo và kinh nghiệm của các chuyên gia thị trường. - Linh hoạt đối với ngôn ngữ và kiểm soát các yêu cầu về luật đối với việc phát hành chứng khoán - Cải thiện cấu trúc thuế khấu trừ nhằm mở rộng cơ sở nhà đầu tư đối với việc phát hành nợ ASEAN. | Hội nhập thị trường chứng khoán ASEAN |
Hệ thống thanh quyết toán (PSS) | Tiêu chuẩn hóa và phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán | Hội nhập hệ thống thanh quyết toán trong ASEAN |
Tiểu ngành | Quốc gia thành viên cam kết | |
Bảo hiểm | Bảo hiểm (gốc) nhân thọ | Indonesia, Phillipines |
Bảo hiểm (gốc) phi nhân thọ | Brunei, Cambodia, Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam | |
Tái bảo hiểm và tía bảo hiểm tiếp (retrocession) | Brunei, Cambodia, Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam | |
Trung gian bảo hiểm | Cambodia, Phillipines Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam | |
Các ngành dịch vụ phụ trợ của bảo hiểm | Brunei, Cambodia, Indonesia | |
Ngân hàng | Nhận tiền gửi và các quỹ có hoàn trả khác từ công chúng | Lào, Việt Nam |
Cho vay | Campodia, Lào, Việt Nam | |
Cho thuê tài chính | Campodia, Lào và Việt Nam | |
Dịch vụ thanh toán và chuyển tiền | Campodia, Lào và Việt Nam | |
Thị trường vốn | Bảo lãnh và cam kết | Campodia, Lào, Myanmar và Việt Nam |
Giao dịch tài khoản cá nhân hoặc tài khoản khách hàng | Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thailand | |
Tham gia phát hành chứng khoán | Indonesia, Philippines (tùy thuộc vào quy định giới hạn của pháp luật và thể chế) | |
Quản lý tài sản | Indonesia, Philippines, Singapore và Thailand | |
Dịch vụ thanh toán bù trừ cho tài sản tài chính | Indonesia, Philippines, Singapore and Thailand |