Tuy nhiên, việc Chủ tịch FED Ben Bernanke cho biết, định chế tài chính này có thể ngừng hoàn toàn chương trình nới lỏng tiền tệ đã gây lo ngại cho các nhà đầu tư toàn cầu.
Theo thông điệp mà ông Bernanke đưa ra, nếu những số liệu sắp tới khớp với dự báo, FED sẽ giảm giảm quy mô nới lỏng cho đến nửa đầu năm sau và ngừng hẳn vào giữa năm sau. Việc FED sẽ ngừng bơm tiền đã ngay lập tức khiến thị trường cổ phiếu và trái phiếu đồng loạt lao đốc. Chỉ số MSCI chứng khoán toàn cầu giảm 1,1%, chỉ số MSSCI thị trường mới nổi giảm 1,4% xuống thấp nhất kể từ tháng 9/2012. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 1,35%, Standard & Poor's 500 giảm 1,39% trong khi Nasdaq giảm 1,12%. Nhà đầu tư cũng bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ khiến giá trái phiếu giảm mạnh, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm lên cao nhất 15 tháng, vượt 2,3%. Các quỹ đầu tư tín thác trái phiếu doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng sau tuyên bố của Chủ tịch Fed.
Chủ tịch FED Ben Bernanke.
Trên thị trường hàng hóa, giá vàng xuống thấp nhất 1 tháng. Chốt phiên ngày 19/6, giá vàng giao ngay giảm 1,3% xuống 1.349,86 USD/oz. Giá dầu cũng giảm với giá dầu Brent giao tháng 7 giảm 43 cent xuống 105,59 USD/thùng, giá dầu thô Mỹ giảm 51 cent xuống 97,93 USD/thùng. Trong khi đó, USD tăng mạnh so với euro và yên, giao dịch ở 96,44 yên/USD và 1,328 USD/EUR.
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân FED muốn chấm dứt chương trình nới lỏng tiền tệ không phải vì kinh tế quá mạnh hay vì lạm phát ổn định hay nền kinh tế đạt tới mức toàn dụng lao động mà do cơ quan này lo ngại họ đang tạo ra một bong bóng tài sản. Bong bóng này sẽ càng trầm trọng hơn nếu thị trường tiếp tục được bơm thêm tiền và sẽ đe dọa sự ổn định tài chính của Mỹ.
Thực tế, chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu chính phủ hàng tháng đã khiến thị trường chứng khoán tăng vọt. Kể từ khi FED công bố gói nới lỏng lần 3 (QE3), vào tháng 9/2012 đến nay, chỉ số Standard & Poor's 500 tăng hơn 12%.
Trong khi đó, thị trường việc làm chưa phục hồi đáng kể; tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 là 7,6%, vẫn cao hơn nhiều mục tiêu 6,5%; lạm phát khoảng 1,4%, thấp hơn mục tiêu 2,5%. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 20/6 cho biết, số đơn xin thất nghiệp vào tuần qua đã bất ngờ tăng hơn mức dự báo.Trong một diễn biến có liên quan, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) ông Jim Yong Kim cho biết, ngân hàng này đặc biệt lo ngại về nguy cơ các nền kinh tế đang phát triển trong trường hợp FED giảm quy mô nới lỏng tiền tệ.
Mặc dù khẳng định, quy mô rút vốn khỏi các thị trường mới nổi sẽ không đáng lo ngại như từng xảy ra ở giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 nhưng nếu chi phí đi vay bắt đầu tăng, WB sẽ tìm cách để tạo thêm đầu tư nhằm tạo vốn cho cơ sở hạ tầng.