Những tín hiệu xấu
Dầu thô giảm mạnh, làn sóng bán tháo thống trị các thị trường chứng khoán thế giới, vàng tiếp tục chinh phục mức đỉnh mới,... Nghi ngờ về mức độ an toàn của trái phiếu Mỹ, lo ngại việc Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) mua 1.200 tỉ USD trái phiếu Italia, Tây Ban Nha không đem lại kết quả khả quan,... khiến các nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào vàng. Lượng vàng giao dịch trong các phiên vừa qua đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, không chỉ các nhà đầu tư, các quĩ tín thác lớn, thị trường kim loại quí còn ghi nhận sự tham gia của Chính phủ nhiều nước nhằm đa dạng nguồn dự trữ quốc gia do USD không được đánh giá cao như trước.
Ngược lại với vàng, riêng phiên giao dịch ngày 8/8, khoảng 1.350 tỉ USD đã "bốc hơi" khỏi các thị trường chứng khoán toàn cầu, làm gia tăng thua lỗ trên thị trường cổ phiếu từ ngày 26/7 lên đến 7.800 tỉ USD. Chứng khoán châu Á giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 do lo ngại xuất khẩu sang Mỹ sẽ sụt giảm vì tăng trưởng chậm chạp. Riêng chỉ số Kospi của Hàn Quốc đã để mất trên 7% khiến Seoul phải ngừng giao dịch trên sàn chính 5 phút và các giao dịch trên sàn Kosdaq trong 20 phút. Tại Mỹ, các nhà môi giới phải chứng kiến "tình trạng bán tháo hỗn loạn thực sự, vượt xa những gì chúng ta từng thấy". Riêng chỉ số S&P 500 giảm hơn 6% và ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2008 khi để mất tới 729,3 tỉ USD. Chỉ số CBOE đo mức độ sợ hãi của thị trường có thời điểm tăng lên 50% trong khi chỉ số biến động VIX đóng cửa lần đầu tiên ở mức 40 kể từ tháng 5/2010.
Và cảnh báo
Tại Mỹ, Tổng thống Obama nhấn mạnh việc bị S&P hạ tín nhiệm sẽ giúp các nhà lập pháp nước này phải khẩn trương giải quyết thách thức về thâm hụt ngân sách. Đồng thời không quên đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng tại châu Âu tác động xấu tới kinh tế Mỹ và khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ mà những người tiền nhiệm đã để lại. Trong khi giới chức Mỹ vẫn chưa đưa ra được giải pháp nhằm bình ổn thị trường, S&P hôm 8/8 đã tiếp tục hạ xếp hạng AAA xuống còn AA+ của hàng nghìn trái phiếu địa phương trị giá tới 2.900 tỉ USD... Việc hạ xếp hạng này nhiều khả năng sẽ buộc các quỹ đầu tư phải bán một phần số trái phiếu đang nắm giữ để tăng thanh khoản. Đặc biệt, Ngân hàng Merrill Lynch còn dự báo S&P tiếp tục hạ bậc tín dụng Mỹ từ AA+ xuống AA trong tháng 11 hoặc tháng 12 năm nay. Chủ yếu do lo ngại Ủy ban đặc biệt của hai đảng có thể vượt qua bất đồng để theo đuổi kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách dài hạn vốn bị S&P đánh giá là vô cùng "hỗn loạn". Điều này chắc chắn sẽ khiến nợ công của Mỹ tiếp tục tăng cao. Theo S&P, nợ của Chính phủ Liên bang sẽ tăng 11.000 tỉ USD trong năm 2011 (tương đương 75% GDP) và 20.000 tỉ USD trong năm 2021 (85% GDP).
Cam kết là chưa đủ
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng T.Ư của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi cam kết sẽ theo sát diễn biến của tình hình tài chính thế giới trong những tuần tới và cùng hành động nhằm "đảm bảo sự ổn định tình hình trên các thị trường tài chính". Trước đó, Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới cũng cam kết sẽ hỗ trợ ổn định thị trường tài chính thế giới, trong khi ECB cho biết sẽ tích cực thực hiện chương trình mua trái phiếu của khu vực đồng Euro. Mặc dù, các quan chức các nước như Nhật Bản, Anh, Pháp, Hàn Quốc,... đều phát đi những tuyên bố trấn an thị trường, nhưng các chuyên gia kinh tế đều cho rằng: khả năng can thiệp của các nước giàu nhất thế giới đang bị hạn chế bởi lạm phát, chương trình cắt giảm ngân sách và lãi suất thấp kỷ lục tại Mỹ, châu Âu.