Lợi suất giảm nhưng trái phiếu vẫn “cháy hàng”
Báo cáo của của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cho thấy, Việt Nam là thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhất trong số các quốc gia mới nổi ở khu vực Đông Á trong năm 2012. Mức tăng trưởng thị trường trái phiếu của Việt Nam năm 2012 là 42,7% so với cuối năm 2011. Cụ thể, năm 2012, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động được hơn 141.000 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch được giao. Còn tính từ đầu năm tới nay, KBNN đã bán được 46.100 tỷ đồng trái phiếu (chiếm khoảng 30% kế hoạch năm 2013). Ngân hàng phát triển (NHPT) cũng phát hành được khoảng 4.850 tỷ đồng trái phiếu, tương đương với 12% kế hoạch năm 2013, trong đó, riêng khối lượng của tháng 3 đạt 4.100 tỷ đồng.
Đón đầu đợt cắt giảm lãi suất đầu tuần này, phiên đấu thầu trái phiếu phát hành cuối tuần qua của cả KBNN và NHPT diễn ra trong tình trạng cháy hàng. Riêng phiên này, Chính phủ huy động được 9.450 tỷ đồng, cao hơn 54% so với tuần đầu tháng 3. Lãi suất trúng thầu cũng giảm mạnh như lợi suất của kỳ hạn 5 năm sụt giảm từ mức 9,2 - 9,3%/năm duy trì từ đầu năm xuống 8,84%/năm. Lợi suất của kỳ hạn 3 năm cũng rơi xuống 8,18%/năm, giảm 27 điểm cơ bản so với phiên đấu thầu kế trước.
Nhiều ngân hàng dư thừa vốn nhưng vẫn sợ rủi ro khi cho doanh nghiệp và cá nhân vay. Ảnh: Linh Tâm
Hào hứng mua trái phiếu, e dè cung tín dụng
Động thái đón đầu việc giảm các mức lãi suất chủ chốt ở hầu hết các kỳ hạn của NHNN, đẩy mạnh mua vào trái phiếu của các ngân hàng được đánh giá là rất khôn ngoan. Tuy nhiên, sự sôi động của thị trường trái phiếu cũng đặt ra một số câu hỏi đáng chú ý với nền kinh tế.
Thứ nhất, khi kênh đầu tư trái phiếu lên ngôi, chứng tỏ các ngân hàng vẫn rất e dè cung vốn qua kênh tín dụng. Chấp nhận bỏ tiền vào trái phiếu với lãi suất xấp xỉ lãi suất huy động cho thấy các ngân hàng đang e ngại rủi ro khi cho DN và cá nhân vay. Tính đến hết 15/3, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm vẫn âm 0,2%, không cải thiện nhiều so với con số âm 0,28%, tính từ đầu năm đến cuối tháng 2. Điều này cho thấy song song với việc cắt giảm lãi suất đầu vào, NHNN cần có chính sách gỡ dần đầu ra, giảm bớt khó khăn cho DN và người dân, đồng thời có cơ chế để ngân hàng dễ dàng hơn khi đưa vốn ra nền kinh tế.
Thứ hai là tiền vốn huy động được qua trái phiếu sẽ được chi tiêu như thế nào để đảm bảo hiệu quả. Theo quan sát của giới chuyên gia, tốc độ giải ngân trong thời gian qua khá chậm. Khi kênh tín dụng nghẽn, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để kích thích các dòng vốn khác nhập cuộc nhanh chóng.
Bộ Tài chính vừa chính thức phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, Việt Nam đặt ra các mục tiêu phấn đấu cụ thể như: Đưa tỷ trọng dư nợ trái phiếu/GDP tăng từ 18% năm 2011 lên khoảng 38% vào năm 2020, trong đó, dư nợ trái phiếu Chính phủ chiếm khoảng 22% GDP, dư nợ trái phiếu DN chiếm khoảng 7% GDP, còn lại là trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương; Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do khối các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ nắm giữ từ mức 12% (2011) lên mức 20% (2020)... |