Đây phải chăng là những dấu hiệu nói lên rằng, thị trường viễn thông Việt Nam đang thiếu tính bền vững?
Mua bán, sáp nhập là tất yếu
Sau sự kiện EVN Telecom sáp nhập vào Viettel vì thua lỗ, đến lượt Beeline phải tạm biệt thị trường viễn thông Việt Nam do Tập đoàn VimpelCom (Nga) bán tháo 49% cổ phần cho đối tác Gtel Mobile. Các mạng di động nhỏ khác, như Vietnammobile dù vẫn đang nỗ lực giữ vững thị phần song cũng tỏ ra đuối sức so với các mạng lớn là Viettel, MobiFone, VinaPhone. Giới phân tích lo ngại, thị trường đang thiếu tính bền vững, các nhà đầu tư nước ngoài đang trở nên e dè khi bước vào lĩnh vực viễn thông Việt Nam.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh MobiFone Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Hải Linh
Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm "Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam?" do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức chiều 12/9, ông Phạm Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho rằng, đây là diễn biến tất yếu của một thị trường viễn thông đang phát triển. Hiện môi trường pháp lý của Việt Nam đã tương đối hoàn thiện để các doanh nghiệp (DN) xúc tiến các thương vụ mua bán, sáp nhập. "DN nào kinh doanh hiệu quả, năng lực đủ mạnh sẽ tiếp tục tồn tại, DN nào không còn khả năng, chưa tận dụng hết năng lực sẽ phải rời bỏ thị trường, đó là điều hết sức bình thường" - ông Hải chia sẻ. Theo ông Hải, nếu so với nhiều nước ở châu Âu, châu Á cũng chỉ có khoảng 3 - 4 DN tham gia thị trường viễn thông thì con số DN viễn thông đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay là tương đối ổn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển Viễn thông Quốc gia đến năm 2020. Theo đó, đối với thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế phải có ít nhất 3 DN cung cấp dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh. Quy định này nhằm đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Bên cạnh đó, nhằm tránh việc có quá nhiều DN tham gia vào thị trường viễn thông, đặc biệt là các DN Nhà nước đầu tư ngoài ngành, dẫn đến cạnh tranh quá mức và hiệu quả kinh doanh trên thị trường thấp.
Sẽ còn nhiều doanh nghiệp phá sản
Thị trường viễn thông sau thời kỳ độc quyền đã chuyển sang giai đoạn mở cửa cạnh tranh với sự tham gia của nhiều DN viễn thông mới. Sự góp mặt của các tên tuổi mới là cú hích để thị trường phát triển mạnh, liên tục ở mức bùng nổ. Nhưng theo quy luật, sức ép cạnh tranh cũng khiến cho một số DN đuối sức và phải sáp nhập vào DN viễn thông lớn hơn. Câu chuyện của EVN Telecom, S-Fone rồi mới đây là Beeline... là những minh chứng cho quy luật này. Từ góc độ chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư) cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam cần liên tục duy trì áp lực cạnh tranh như vậy để tự hình thành nên cấu trúc động. Vấn đề của nhà quản lý là phải tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho tất cả các DN. Ông Thành dự báo, thời gian tới, thị trường viễn thông sẽ tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt và sẽ có thêm DN viễn thông phá sản hoặc sáp nhập.
Chia sẻ quan điểm này, bà Trịnh Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty CP Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom), đơn vị sở hữu mạng di động Vietnamobile quan ngại, xu hướng DN viễn thông nhỏ bị phá sản hoặc sáp nhập sẽ dẫn tới nguy cơ thị trường viễn thông manh nha trở lại độc quyền, mà trước mắt là độc quyền về một vài dịch vụ. Vì vậy, đây là thời điểm cần có những chính sách quy hoạch, điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển bền vững, vừa đảm bảo tính cạnh tranh chống xu hướng độc quyền.
Trả lời câu hỏi liên quan tới vấn đề tách hay sáp nhập hai mạng di động VinaPhone và MobiFone, ông Phạm Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết: "Bộ vẫn đang xem xét đề xuất của VNPT, quá trình xem xét sẽ đặc biệt lưu ý tới tác động của việc tách hay sáp nhập hai mạng di động này đối với thị trường viễn thông. Song song với việc này, Bộ sẽ có chính sách đi kèm để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo có ít nhất 3 DN viễn thông cùng hoạt động. Từ nay tới cuối năm, Bộ sẽ có thông báo chính thức tới báo chí".
|