Cuộc hội thảo với chủ đề "Kinh doanh và Thành công tại Việt Nam" đã thu hút sự tham dự của hàng chục doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực của Israel, như viễn thông, công nghệ, nông nghiệp, du lịch...
Ông A. Zief cho biết, trong vòng 3-4 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Israel rất tích cực tìm hướng đầu tư và kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài các thị trường truyền thống ở châu Âu và Mỹ, các doanh nghiệp Israel muốn tìm kiếm thị trường mới, trong đó Việt Nam là điểm đến rất hấp dẫn các nhà đầu tư.
Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, trong khi Israel có nhiều lợi thế về nông nghiệp, xử lý nước, năng lượng, công nghệ cao, sinh học...
Ông Zief nhận định: "Hai bên có tiềm năng rất lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại. Trong tương lai gần, ngày càng có nhiều công ty Israel sẽ hợp tác với các đối tác Việt Nam. Kim ngạch buôn bán hai chiều có thể tăng lên gấp đôi trong vòng 5 năm tới."
Cùng quan điểm này, ông Rafi Kaufman - Giám đốc Công ty Israel-Vietnam Corporation - cũng đánh giá cao về tiềm năng của thị trường Việt Nam. Theo ông Kaufman, trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ có khoảng 17 triệu người tiêu dùng trẻ. Dân số và thu nhập tăng mạnh trong khi tỷ trọng nông nghiệp giảm dần và nhu cầu về các ngành dịch vụ gia tăng.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam hiện tăng nhanh thứ ba châu Á. Ngoài nhóm nước BRICS, Việt Nam nằm trong nhóm sáu thị trường đang nổi hàng đầu.
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Israel Tạ Duy Chính cho biết cuộc hội thảo đã nhấn mạnh đến tiềm năng của Việt Nam cũng như mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Israel muốn đầu tư và làm ăn tại Việt Nam. Mặc dù hoạt động kinh tế giữa hai bên tăng mạnh trong thời gian qua, song sự phát triển đó còn chưa ngang tầm với tiềm năng hợp tác và kỳ vọng của cả hai phía.
Cuộc hội thảo được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Israel trong thời gian tới. Với các điểm mạnh và lợi thế của mỗi bên, việc tìm kiếm một cơ chế hợp tác tích cực, năng động sẽ giúp hỗ trợ nền kinh tế hai nước có thể bổ sung cho nhau hiệu quả hơn.
Trong những năm qua, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Israel tăng nhanh và ổn định. Năm 2013, trao đổi thương mại hai chiều đạt 604,29 triệu USD (tăng 37,9% so với năm 2012), trong đó Việt Nam xuất sang Israel 401,29 triệu USD (tăng 43,7% so với năm 2012).
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như nông-hải sản, dệt may, thiết bị điện, trong khi nhập khẩu từ Israel phân bón, máy móc thiết bị, hàng điện tử...
Ngoài lĩnh vực thương mại, hai bên còn đang tích cực hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, viễn thông, khoa học kỹ thuật, vận tải biển và tài chính. Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, như chế tác và đánh bóng kim cương, sản xuất đồ gia dụng, hợp tác về tưới tiêu và trồng bông, chăn nuôi và chế biến, nuôi trồng thủy sản, cũng như chia sẻ kinh nghiệm quản lý và công nghệ xử lý môi trường tại các khu công nghiệp và đô thị.
Israel hiện xếp thứ 62/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các đối tác Israel đang thực hiện 16 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đã triển khai đạt 20,65 triệu USD.
Công ty đóng tàu Hạ Long bàn giao tàu hàng Red Diamond trọng tải 53.000 tấn cho Tập đoàn vận tải biển Ofer (Israel). (Ảnh: TTXVN)
|