Tiếp theo một số bộ, ngành và địa phương đã triển khai thí điểm thành công, TP Hà Nội sẽ triển khai thí điểm thi tuyển 86 chức danh trưởng phòng cấp sở, ngành và tương đương trong năm 2022 này được kỳ vọng tạo tính năng động trong công tác cán bộ.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp sở. Đến nay, tỉnh này đã tổ chức nhiều đợt thi với nhiều người trúng tuyển và đã thể hiện được năng lực thực sự của mình.
Từ năm 2017, Bộ Nội vụ cũng thí điểm thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở và cấp phòng của Bộ và hàng loạt đơn vị đã triển khai thí điểm nhiều chức danh. Đổi mới cách thức tuyển chọn cán bộ quản lý bằng hình thức thi tuyển tạo ra nét mới trong việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo với nhiều ưu điểm so với cách làm truyền thống. Đó là mở rộng được đối tượng.
Cán bộ, công chức, viên chức trẻ, có trình độ, năng động có cơ hội tham gia thi tuyển; quy trình, thủ tục rõ ràng hơn; hạn chế được tiêu cực, nhất là chuyện chạy chức, chạy quyền, góp phần xóa bỏ tư duy “sống lâu lên lão làng”… Qua các hình thức thi tuyển cũng nâng cao được tính cọ xát để đánh giá thực chất năng lực của cán bộ mà mình đưa vào các vị trí. Đồng thời, việc thi cử thực chất sẽ có thể đánh giá được những kiến thức của những người ứng tuyển vào công tác quản lý, kiểm tra được năng lực thực thi công vụ, xử lý tình huống.
Thực tế, việc thực hiện thi tuyển cũng tạo ra động lực và sự phấn đấu giữa các ứng viên. Như tại Hà Nội, trong những mục tiêu được xác định, việc thi tuyển được kỳ vọng sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; tạo điều kiện, động lực để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, rèn luyện, học tập và có cơ hội để tham gia công tác lãnh đạo, quản lý. Hơn nữa, việc thi tuyển cũng góp phần tăng cường dân chủ, đổi mới công tác cán bộ, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi cán bộ thể hiện đạo đức, tài năng và có động lực phấn đấu, vươn lên.
Tuy nhiên, để trở thành phổ biến và đạt chất lượng như mong muốn ở cả những chức danh cao hơn, việc khắc phục những nhược điểm từ thực tiễn như chưa thu hút được nhiều người ứng tuyển vào cùng một vị trí, cách thức thi và những nội dung phong phú cũng là vấn đề được nói đến. Đặc biệt, cần giao quyền, mở rộng hơn quyền cho những đơn vị cần những người có năng lực, những người lãnh đạo quản lý. Qua đó để làm sao tạo ra một nề nếp trong thi tuyển, khuyến khích những người có năng lực sẵn sàng tham gia vào phần này và thúc đẩy đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, cũng cần có cơ chế cụ thể để giám sát, có giải pháp kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa quy hoạch và thi tuyển cạnh tranh. Đồng thời, cũng kiểm soát được hoạt động tuyển dụng tràn lan, thiếu công bằng, minh bạch hoặc lợi dụng công tác này để thu lợi riêng.