Động đất ở Nhật Bản
Cuối ngày 14/4, trận động đất lớn có cường độ 6,4 độ Richter đã tấn công miền nam Nhật Bản, khiến ít nhất 9 người đã thiệt mạng, phá hủy 19 tòa nhà. Hơn 860 người đã bị thương, trong đó 50 người trong tình trạng nguy kịch. Khoảng 45.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Thương vong có thể tiếp tục tăng cao khi lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm thêm nạn nhân trong các đống đổ nát. Ngoài thiệt hại về người, trận động đất cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi hoạt động giao thông bị ngưng trệ, một số tập đoàn lớn của Nhật Bản có nhà máy tại tỉnh Kumamoto cũng bị gián đoạn sản xuất. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cố gắng xoa dịu lo ngại xung quanh các nhà máy hạt nhân. Theo đó, nhà máy hạt nhân duy nhất hiện đang hoạt động ở Sendai không bị ảnh hưởng. Nhà máy Genkai ở tỉnh Kyushu, cũng được báo cáo không xảy ra sự cố.
Điều nguy hiểm là sau động đất, sẽ xuất hiện hàng chục dư chấn. Ông Gen Aoki - Giám đốc Trung tâm kiểm soát thiên tai quận Kumamoto cảnh báo, các dư chấn có thể xuất hiện vào tuần sau. Như vậy, dù trận động đất này không gây ra những hậu quả nặng nề như thảm họa động đất và sóng thần cách đây 5 năm, nhưng nó sẽ tác động tiêu cực đến khu vực miền nam Nhật Bản, vốn còn đang chật vật tái thiết cuộc sống.
Nắng nóng ở Ấn Độ
Không riêng Nhật Bản, Ấn Độ cũng đang phải gánh chịu những hậu quả khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Quốc gia này đang trải qua những ngày đầu tháng 4 nóng kỷ lục với mức nhiệt cao nhất ghi nhận hôm 11/4 là 45,8oC. Các bang thuộc phía nam Ấn Độ như Telangana, Andhra và TP Bhubaneswar ở Orissa đã có ít nhất 135 người thiệt mạng vì nắng nóng. Mùa nắng nóng năm nay tại Ấn Độ cũng là một hiện tượng thiên nhiên bất thường khi đến sớm hơn, quy mô rộng hơn, đe dọa đến tính mạng của nhiều người khi mức nhiệt luôn trên mức 40oC. Thông thường những nơi như Bhubaneswar và Kolkata sẽ đón nhận những con gió mát từ vịnh Bengal thổi vào, nhưng thực tế, nơi này lại đang phải hứng chịu đợt nắng nóng khủng khiếp từ trong đất liền.
Sau một năm gánh chịu tình trạng ít mưa do chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino ở Thái Bình Dương, nhiều nơi trong đất liền ở Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng nắng nóng như thiêu đốt và nguy cơ khô hạn nặng. Một số vùng như Maharashtra và Uttra Pradesh nhận được lượng mưa chỉ bằng 1/2 lượng mưa thông thường mỗi năm, khiến mặt đất khô càng hấp thụ nhiệt năng cao của bức xạ mặt trời, làm cho không khí càng trở nên khô và nóng hơn. Đặc biệt, ở phía tây Bengal và Orissa, những ngày nóng nhất dự báo vẫn có thể tiếp diễn khắc nghiệt hơn bởi những ngày nắng nóng nhất trong năm thường rơi vào tháng 6.
Cuối năm ngoái, một vụ cháy rừng đã xảy ra ở bang Califonia, Mỹ trong khi các nước Nam Mỹ lại phải đối mặt với trận lụt lịch sử. Nếu như thế giới đã phải trải qua một năm 2015 với các hiện tượng thiên nhiên cực đoan, làm tiêu tốn hàng tỷ USD thì các quốc gia phải hứng chịu các hiện tượng thiên nghiên khắc nghiệt ngay từ đầu năm cho thấy, trong năm 2016, các nước châu Á và thế giới sẽ phải đối mặt với những hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt và biến đổi khó lường.
Hiện trường đổ nát sau vụ động đất ở miền nam Nhật Bản.
|