Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2018: Nắm bắt xu hướng thị trường thế giới

Ngọc Mừng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018 đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, thợ giỏi, các cá nhân trên địa bàn Hà Nội. Đã có 40 sản phẩm trong tổng số 181 sản phẩm dự thi được UBND TP Hà Nội quyết định công nhận đạt giải.

 Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng trao giải cho các tác giả. Ảnh: Ngọc Mừng
Thu hút nhiều nghệ nhân, thợ giỏi tham gia

Ngày 20/10, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018”, với chủ đề “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với phát triển làng nghề và du lịch”. Cuộc thi được phát động từ trung tuần tháng 8/2018 và đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, thợ giỏi, cá nhân trên địa bàn Hà Nội. Theo Ban tổ chức, đã có 65 cá nhân, trong đó có 5 Nghệ nhân Ưu tú, 12 Nghệ nhân Hà Nội đăng ký tham gia cuộc thi với tổng số 181 sản phẩm có thiết kế mới.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, năm nay Sở đã thành lập Hội đồng Giám khảo gồm đại diện một số sở chuyên ngành của Hà Nội, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ để chấm điểm, lựa chọn các sản phẩm đạt giải. Đã có 40 sản phẩm trong tổng số 181 sản phẩm dự thi được UBND TP Hà Nội quyết định công nhận đạt giải. Trong đó, giải Nhất thuộc về sản phẩm Tranh sen đậu bạc của nghệ nhân Quách Tuấn Tú (Định Công, Hoàng Mai). 3 giải Nhì bao gồm: Bộ bình đá “Hạnh phúc” của nghệ nhân Nguyễn Minh Phú (Hiền Giang, Thường Tín); Bộ khăn trải bàn lụa tơ tằm nghệ thuật của nghệ nhân Nguyễn Thị Thu Hương (Vạn Phúc, Hà Đông); Bộ bình vẽ trang trí thổ cẩm của nghệ nhân Nguyễn Thị Mai Hương (Bát Tràng, Gia Lâm).

Hướng đến xuất khẩu

Là nghệ nhân lần đầu tiên tham gia cuộc thi nhưng sản phẩm Tranh sen đậu bạc của nghệ nhân Quách Tuấn Tú đã may mắn giành giải Nhất. Anh Tú cho biết, đậu bạc vốn là một nghề đặc biệt so với các làng nghề kim hoàn khác bởi nó được làm hoàn toàn bằng thủ công. Đó là lý do vì sao cả làng Định Công đến nay chỉ còn vài gia đình giữ được nghề truyền thống này. Sản phẩm chủ yếu cũng chỉ phục vụ nhu cầu quà tặng cho các tổ chức, DN trong nước mà chưa xuất khẩu được. Vì vậy, năm nay, được biết đến cuộc thi, cơ sở sản xuất của gia đình anh đã quyết định tham gia, với mong muốn nhận được sự góp ý của các chuyên gia để nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của thị trường thế giới, hướng đến xuất khẩu.

Nhằm hỗ trợ các DN tham gia cuộc thi, Ban tổ chức đã có nhiều hoạt động nhằm tư vấn các nghệ nhân chỉnh sửa mẫu mã để phù hợp hơn với tiêu chí cuộc thi cũng như nhu cầu của thị trường. “Trong quá trình tham gia cuộc thi, các cá nhân đã được các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước tư vấn, định hướng trong thiết kế, sáng tạo sản phẩm. Đặc biệt năm 2018 Hội đồng Anh tại Việt Nam đã giới thiệu một chuyên gia thiết kế hàng đầu đến từ trường Đại học Raffles và Học viện Thời trang London - Vương quốc Anh để hỗ trợ, tư vấn cho các cá nhân dự thi về xu hướng thiết kế, thị trường, mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới nhất trên thế giới” – ông Lê Hồng Thăng cho biết.

Theo Ban tổ chức, cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm nhằm mục đích khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội phát huy những ý tưởng sáng tạo, thiết kế ra những mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật đáp ứng với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Đồng thời, thúc đẩy phong trào thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hỗ trợ các cơ sở, DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn TP Hà Nội đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.