Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, 10 tháng của năm 2011, cả nước đã xảy ra 11.000 vụ tai nạn, làm chết hơn 9.200 người và bị thương hơn 8.300 người. So với cùng kỳ năm trước, đã giảm 1,6% số vụ, giảm 1,2% số người chết song người bị thương tăng 2,6%. Có 31 địa phương giảm số người chết vì TNGT, trong đó giảm nhiều nhất là TP Hà Nội (giảm 92 người, - 16,4%). Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, số người chết vì TNGT vẫn còn cao. Đặc biệt, TNGT đường sắt tăng cao cả 3 tiêu chí, chủ yếu xảy ra trên các giao cắt với đường bộ. Nguyên nhân do các đường ngang chưa được xử lý yếu tố mất an toàn đối với phương tiện giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy tắc vượt qua đường sắt. Đối với TNGT đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông còn kém, nhất là người điều khiển xe máy. Khoảng 72% số vụ TNGT liên quan đến xe gắn máy.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, hiện chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa quan tâm đến công tác bảo đảm TTATGT và coi đó là nhiệm vụ của ngành GTVT và ngành Công an. Công tác quản lý vận tải đường bộ còn nhiều tồn tại do Luật Doanh nghiệp và Luật Giao thông đường bộ còn chồng chéo, dẫn đến sự tồn tại các doanh nghiệp nhỏ chưa quan tâm đến trách nhiệm của mình với hành khách và xã hội, khoán doanh thu, khoán thời gian hành trình… Đó là nguyên nhân của những vụ tai nạn xe khách đặc biệt nghiêm trọng.
Năm 2012 giảm 5 - 10% số vụ TNGT
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Nhiều nước đang xảy ra chiến tranh cũng không có số người chết nhiều như chết vì TNGT ở Việt Nam. Do đó, để giảm TNGT, Chính phủ coi năm 2012 là năm thiết lập lại kỷ cương trong trật tự giao thông. Quyết tâm của Chính phủ trong năm 2012 là đẩy lùi TNGT trong cả nước, giảm ùn tắc tại hai thành phố lớn, với mục tiêu giảm số vụ, số người chết, số người bị thương trong phạm vi cả nước từ 5 - 10%.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, TP đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế ùn tắc, TNGT. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng dân số, phương tiện, thành phố đang đứng trước áp lực rất lớn. Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, quy hoạch, phát triển hạ tầng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính đột phá đối với thành phố và kiến nghị Chính phủ ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư. Các bộ, ngành cần ủng hộ thành phố trong quy hoạch, di dời các cơ quan, đơn vị trong nội đô, hạn chế nhập cư vào “đô thị lõi”. Thành phố kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu cho áp dụng mức thu phí, lệ phí cao để góp phần giảm phương tiện cá nhân.
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã đưa ra kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông 2012” với chủ đề “Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”. Theo đó, mục tiêu giảm tối thiểu 5 - 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương, giảm tối thiểu 20% số vụ UTGT. Hàng loạt giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi TNGT như quy trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ giảm thiểu tai nạn và chống UTGT; Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm... Để đẩy lùi ùn tắc tại các thành phố lớn, cần thực hiện nghiêm chủ trương vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện; xử lý các hành vi chiếm dụng hè, đường; bố trí lệch giờ làm việc, học tập; cấm xe cá nhân trên một số tuyến trong giờ cao điểm...
10 tháng của năm 2011, các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đã làm 628 người chết. Trong đó, đường bộ xảy ra 85 vụ, làm 281 người chết, 301 người bị thương, giảm 26 vụ, 89 người chết, tăng 9 người bị thương so với cùng kỳ. Đường sắt xảy ra 455 vụ, làm 234 người chết, 307 người bị thương, tăng 54 vụ, 42 người chết, 71 người bị thương. Đường thủy xảy ra 125 vụ, làm chết 113 người, bị thương 16 người, chìm 130 phương tiện thủy các loại, thiệt hại ước tính gần 33 tỷ đồng. |