Thiết thực nhưng chưa hiệu quả

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ vài ngày sau khi 2 hệ thống siêu thị Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op và Big C Việt Nam thí điểm sử dụng lá chuối gói, bọc một số loại nông sản thay thế bao nilon và màng bọc thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư biểu dương.

Nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã sử dụng lá chuối, lá dong gói thực phẩm thay cho túi nilon. Ảnh: Việt Dũng
Sự quan tâm khích lệ kịp thời của Thủ tướng cũng là thông điệp khuyến khích người dân, DN sử dụng các loại vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, chủ trương thiết thực đó vẫn cần những chính sách để phát huy hiệu quả.
So với trào lưu sử dụng ống hút làm bằng bột gạo, cọng cỏ bàng, tre… thay ống hút nhựa, phong trào dùng lá chuối thay bao bì nhựa để gói rau củ có độ lan tỏa nhanh hơn hẳn. Trên thực tế, việc nhân rộng các điển hình tích cực, tuyên truyền thay đổi nhận thức sử dụng túi nilon từ cá nhân đến cả cộng đồng đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.
Chẳng hạn, nhằm tránh việc lạm dụng túi nilon, nhiều năm nay ngành TN&MT đã khai triển thực hành thường niên nhiều chương trình tuyên truyền, mang hiệu quả phổ quát cao như: “Hạn chế dùng túi nilon vì môi trường”; “Hãy dùng túi thân thiện môi trường”, đổi những chiếc túi giấy thân thiện với môi trường, phát túi tái sử dụng miễn phí tại hệ thống những siêu thị, chợ, trung tâm thương mại... Tỷ lệ người dân khi được hỏi, có sẵn sàng sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường để thay thế hộp nhựa, túi nilon… đã tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, các dự án dùng ống hút tre hay túi giấy, túi vải đã xuất hiện nhưng độ phổ biến chưa rộng bởi chưa có hướng đi đúng và sự quan tâm của các công ty, nhà hàng cũng như cơ quan bảo vệ môi trường. Trong khi giá những chiếc túi nilon thông thường giá vẫn rẻ, giá thuế nguyên liệu nhập khẩu nhựa vẫn thấp thì những vật liệu thân thiện với môi trường vẫn chưa có sự hỗ trợ cụ thể nào về chính sách. Và nhiều người tiêu dùng, DN mặc dù nhận thức rõ vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nilon gây ra xong vẫn phải tặc lưỡi sử dụng.
Ngay cả khi tìm ra vật liệu thay thế, hàng năm đều có những chiến dịch ra quân, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh hay việc áp dụng ở một vài nơi, một vài DN áp dụng nhưng kết quả chung vẫn chưa thể nhân rộng, vẫn chủ yếu dừng lại là “báo động” lại về nguy cơ, nên chẳng có nhiều sự khả quan.
Điều cần làm của các cơ quan bảo vệ môi trường thì không chỉ là tổ chức xuống đường diễu hành vì màu xanh trái đất, tổ chức các cuộc thi làm sạch bờ hồ, đường phố... mà cần phải làm ngay và luôn những hành động cụ thể, ví dụ như ra luật, ra quy định kiểm soát chặt chẽ, tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào các công ty, các DN có lượng thải cao hoặc góp phần làm lượng rác thải nhựa cao; Đi cùng với đó là những chế tài khuyến khích, hỗ trợ người dân và DN sử dụng vật liệu thay thế thân thiện với môi trường. Nếu như thế ý nghĩa thiết thực của việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường mới lan tỏa rộng, không chỉ dừng lại ở phong trào và áp dụng tại một số địa điểm hạn chế.