Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu chính sách, yếu hạ tầng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, mặc dù đã được đầu tư đáng kể nhưng hoạt động thương mại ở miền núi, hải đảo mới chủ yếu đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, đồng bào các dân tộc.

Nhiều rào cản

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trên địa bàn các huyện miền núi, hải đảo hiện có khoảng 3.200 chợ, trung tâm thương mại, 44.000 doanh nghiệp (DN) và 95.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ toàn khu vực đạt 661.000 tỷ đồng… Kết quả này đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, hải đảo; tạo những chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại của khu vực.

 
Đồng bào dân tộc kinh doanh tại chợ Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: Hoài Nam
Đồng bào dân tộc kinh doanh tại chợ Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: Hoài Nam
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù có sự phát triển nhất định về hệ thống, nhưng hoạt động thương mại tại miền núi, hải đảo mới chủ yếu đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống sinh hoạt hàng ngày như xăng dầu, vật tư, dụng cụ cho sản xuất… của người dân trong vùng. Hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nuôi trồng, đánh bắt còn nhỏ lẻ, tự phát.

Đại diện Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương) cho biết: Dù có nhiều tiềm năng nhưng hoạt động thương mại của khu vực miền núi, hải đảo hiện đang gặp không ít rào cản. Đầu tiên là sự chồng chéo, phân tán và không có tính hệ thống trong các văn bản quy phạm, cơ chế quản lý giữa các bộ, ngành chồng chéo, trùng lặp gây nhiều bất cập khi triển khai thực hiện. Bên cạnh đó là những khó khăn về thị trường, lưu thông hàng hóa chưa được quan tâm tháo gỡ. Và một thực tế thấy rõ nhất là kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng thương mại còn yếu và thiếu, chủ yếu mới chỉ là các chợ, cửa hàng, cửa hiệu truyền thống…

Gắn thương mại với phát triển kinh tế

Để tháo gỡ khó khăn cho thương mại miền núi và hải đảo, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 với kinh phí lên đến 1.200 tỷ đồng. Mục tiêu của Chương trình là mang lại sự thay đổi tích cực cho hoạt động thương mại tại những khu vực khó khăn trên phạm vi gần 70 huyện được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định cho huyện nghèo.

Ông Hoàng Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi cho biết: Chương trình sẽ có nhiều phương án hỗ trợ trực tiếp cho thương mại miền núi, hải đảo phát triển. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đưa hàng hóa của những khu vực này tiêu thụ trong hệ thống siêu thị; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ đối với hàng hóa đặc trưng, sản vật của từng miền; Đưa một số mặt hàng đặc thù của khu vực xuất khẩu ổn định ra thị trường quốc tế; Mở rộng phân phối hàng Việt Nam phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, hải đảo… Những giải pháp này sẽ đem lại sự thay đổi đáng kể cho hoạt động thương mại khu vực miền núi, hải đảo" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại Hội thảo "Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo" do Bộ Công Thương vừa tổ chức, các chuyên gia ngành thương mại cho rằng: Trong thời gian tới cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các dịch vụ phân phối, giao nhận, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa được sản xuất tại các vùng này. Đặc biệt, phải có ngay chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ kho hàng nhằm đảm bảo cung ứng các hàng hóa thiết yếu, kể cả trong trường hợp xảy ra thiên tai. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề xuất, trong quá trình triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, hải đảo nên lồng ghép với các đề án phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời thúc đẩy, liên kết các ngành dịch vụ, từ đó phát triển Chương trình tốt hơn. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, việc quan tâm đầu tư cho hệ thống thương mại của khu vực này cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa kinh tế các địa phương khởi sắc, giúp xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.