Cán bộ thanh tra phải nắm vững nghiệp vụ, bản lĩnh vững vàng, dám đấu tranh với cái sai, cái vi phạm; sẵn sàng bảo vệ nhân dân, đồng hành với nhân dân trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; đảm bảo cho Hiến pháp và pháp luật được thực thi công bằng trong thực tế; đồng thời cũng phải bảo vệ quyền lợi và tài sản của Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, trong những năm qua, công tác thanh tra đã có sự chuyển biến khá tích cực và rõ nét, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, quản lý Nhà nước ngày càng được củng cố. Qua thanh tra, phát hiện nhiều kẽ hở của pháp luật, xử lý kịp thời các sai phạm, giữ gìn và bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, nhân dân.
Định hướng công tác thanh tra trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ngành thanh tra cần coi việc đảm bảo công lý, thực thi pháp luật là nguyên tắc hàng đầu; đảm bảo chính xác, đúng pháp luật trong mỗi kết luận thanh tra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh cán bộ thanh tra vừa phải là tai mắt của Đảng, Nhà nước, vừa phải là người bạn của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân trong các hoạt động thanh tra; cương quyết xử lý những việc làm sai của các cấp, các ngành; giữ gìn niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Thanh tra cũng là công cụ phòng chống, ngăn ngừa tội phạm, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các tội phạm về tham nhũng.Theo báo cáo công tác do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày tại buổi làm việc, từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2011-2013), Thanh tra Chính phủ đã triển khai gần 30.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 430.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm hơn 102.000 tỷ đồng, gần 300.000ha đất; kiến nghị thu hồi 60.208 tỷ đồng và 14.752ha đất.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý kỷ luật gần 4.000 tập thể, hơn 7.000 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 214 vụ, 281 người.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, ngành thanh tra đã phát hiện 319 vụ, 526 người có dấu hiệu tham nhũng với 726 tỷ đồng, 10ha đất; kiến nghị thu hồi 723 tỷ đồng; 6,3ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 294 cá nhân, xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 126 vụ, 240 người.
Trong ba năm qua, Thanh tra Chính phủ đã giúp các cơ quan hành chính tiếp hơn 1,1 triệu lượt công dân; tiếp nhận hơn 360.000 đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết đạt 87%.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân gần 2.000 tỷ đồng và 886ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.373 người, chuyển cơ quan điều tra 141 vụ, 400 người. Toàn ngành thanh tra đã giải quyết 475/528 vụ việc tồn đọng, kéo dài, đạt tỷ lệ 89,96%.Đánh giá chung, kết quả thanh tra có chuyển biến tích cực, phát hiện, xử lý vi phạm nhiều hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra còn kéo dài; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa cao; quản lý Nhà nước về thanh tra vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, hiệu quả thanh tra trách nhiệm còn thấp.
Nguyên nhân chủ yếu là do: Chỉ đạo, điều hành công tác thanh tra có lúc còn thiếu quyết liệt; một số quy định của Luật thanh tra bất cập; trình độ năng lực của một số công chức thanh tra còn hạn chế.Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy một số khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra hiện nay như tính độc lập của cơ quan thanh tra trong quan hệ với Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp chưa rõ ràng; thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan thanh tra trong chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra và xử lý kết quả sau thanh tra còn hạn chế.
Theo quy định của Luật Thanh tra, cơ quan thanh tra chỉ có quyền kiến nghị, đề xuất mà không có thẩm quyền quyết định xử lý nên gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, việc thi hành kết luận, quyết định xử lý về thanh tra là một khâu rất quan trọng nhưng Luật thanh tra mới chỉ ở nguyên tắc, thiếu cơ sở pháp lý cụ thể cho việc tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến thăm và làm việc với Thanh tra Chính phủ.
|