Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu công khai dễ xảy ra tiêu cực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lợi dụng chính sách xã hội hóa (XHH) y tế để trục lợi, thiếu minh bạch, công khai, đối xử phân biệt giữa khám theo yêu cầu và khám BHYT là những vấn đề được xới lên tại buổi tọa đàm trực tuyến "Xã hội hóa công tác y tế" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 16/12.

Người dân hưởng lợi

Đề cập đến lợi ích của XHH y tế, ông Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức khẳng định, trong những năm qua, nhờ nguồn XHH mà BV được trang bị thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, và cũng nhờ đó mà đơn vị thực hiện được những kỹ thuật khó nhất như ghép tạng. "Không ai khác, chính bệnh nhân là người thụ hưởng lợi ích trực tiếp từ các trang thiết bị XHH" - ông Quyết nhấn mạnh.
Khám chữa bệnh tại phòng khám đa khoa Đông Hội, Đông Anh. Ảnh : Mạnh Hùng
Khám chữa bệnh tại phòng khám đa khoa Đông Hội, Đông Anh. Ảnh : Mạnh Hùng
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Quyết, qua nhiều năm thực hiện XHH, BV đã triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới, không những đánh dấu mốc quan trọng đối với ngành y tế nước nhà mà còn ghi dấu ấn đối với khu vực và thế giới. Trước lo ngại của việc lạm dụng XHH để thu lợi từ bệnh nhân, ông Quyết khẳng định, tại BV Việt Đức không có chuyện đó. "Mỗi ca chụp chiếu, chúng tôi phải tính đến tất cả các lợi ích của bệnh nhân. Ở đây vai trò của người đứng đầu, vai trò của tập thể quản lý vô cùng quan trọng" - ông Quyết nói.
Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết thêm, hoạt động XHH đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đáp ứng việc đổi mới trang bị kỹ thuật y tế trong hoàn cảnh kinh phí Nhà nước còn hạn hẹp. Hình thức dịch vụ này đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ của những người có khả năng chi trả. Bên cạnh đó, việc đầu tư XHH cũng là một giải pháp giảm bớt gánh nặng đầu tư từ ngân sách, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ rà soát lại các BV thực hiện XHH để đánh giá chất lượng. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường vai trò quản lý, giám sát và ứng dụng quản lý bằng công nghệ thông tin để phát huy tối đa hiệu quả của công tác XHH y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm lê Tuấn
Từ những lợi ích trên, ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất nên tiếp tục huy động các nguồn lực XHH để phát triển kỹ thuật, dịch vụ y tế. Bên cạnh ý kiến lo ngại tiêu cực trong XHH y tế, ông Tiên cho rằng, không vì một vài trường hợp cá biệt có tiêu cực mà ảnh hưởng đến lợi ích chung của XHH. Tuy nhiên, tới đây ngành cần nhìn lại vấn đề này một cách khoa học, hệ thống để rút kinh nghiệm, sửa chữa và giám sát chặt việc đầu tư, góp vốn XHH y tế.

Giám sát chặt chẽ

Trước những vi phạm của nhiều đơn vị y tế trong việc XHH, cụ thể như vụ thiếu công khai minh bạch trong liên doanh liên kết tại BV đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), lợi dụng XHH để tư lợi cá nhân tại BV Bình dân, Chấn thương chỉnh hình (TP Hồ Chí Minh) vừa qua đã dấy lên lo ngại trong dư luận. Ông Phạm Lê Tuấn thẳng thắn nhìn nhận, do nhiều nơi làm không đúng quy trình, hoặc quản lý thiếu chặt chẽ nên dễ xảy ra vi phạm, có những trường hợp bị xử lý kỷ luật. Trước câu hỏi, vì sao nhiều BV, trang thiết bị công thì "đắp chiếu", trong khi đó máy móc XHH lại sử dụng hết công suất ? Thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, có chuyện đó. Ông lý giải chưa làm rõ được: "Thực tế, khi máy móc hỏng cần sửa chữa liên quan rất nhiều thứ, khó nhất là kinh phí duy tu, bảo dưỡng nhiều đơn vị chưa sẵn sàng. Bộ Y tế đã chỉ đạo, nhưng vẫn chưa đáp ứng như mong đợi". Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên cũng cho biết, nhiều đơn vị khi máy móc hỏng, quy trình sửa cũng phải mất đến vài tháng, "trong khi đó các máy XHH hỏng hôm trước, hôm sau đã sửa xong".

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý hoạt động XHH trong BV, ông Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, cần phải tăng cường vai trò quản lý, giám sát. Nếu quản lý, giám sát không tốt, chắc chắn sẽ xảy ra sai sót, thậm chí dễ dẫn đến lạm dụng chỉ định các dịch vụ XHH. Còn theo ông Tiên, tham gia giám sát XHH cần có nhiều lực lượng, "nếu hội đồng quản lý chỉ bao gồm người sở tại thì rất khó minh bạch".

Tranh luận về vấn đề BV công đứng ra huy động vốn mở BV tư để trở thành mô hình công ra công, tư ra tư, ông Nguyễn Văn Tiên khẳng định, đây là một ý tưởng rất hay, ngành y tế cần nghĩ đến hướng đi này. Tuy nhiên, theo Giám đốc BV Việt Đức, làm thế không ổn, người nghèo sẽ khó được hưởng dịch vụ tốt. "Muốn đầu tư cho người giàu, trước tiên phải đủ giường cho người nghèo nằm (tức những người sử dụng dịch vụ BHYT). Tôi nghĩ 20 - 30 năm nữa chúng ta mới làm được mô hình này, chưa phải bây giờ" - ông Quyết nhấn mạnh.