Hiện, trên thị trường một bao thuốc lá in cảnh báo bằng chữ có giá cao gấp đôi các loại thuốc lá có hình ảnh cảnh báo. Cụ thể, một bao thuốc lá Vinataba in cảnh báo bằng hình ảnh có giá 15.300 đồng/bao, loại in cảnh báo bằng chữ giá bán lên tới 30.000 đồng/bao. Tương tự, thuốc lá “555" từ 22.500 đồng/bao tăng lên 31.500 đồng, Craven A từ 17.600 đồng/bao lên 30.500 đồng/bao. Nhiều người tiêu dùng cho biết không thích sử dụng loại thuốc lá in hình ảnh cảnh báo là do tâm lý e ngại khi nhìn hình ảnh về những bệnh có thể mắc phải khi sử dụng thuốc lá. Đây là nguyên nhân để dân buôn thuốc lá lợi dụng để đầu cơ kiếm lời. Kết quả kiểm tra thị trường kinh doanh thuốc lá trong thời gian gần đây cho thấy: Hiện trên thị trường có 3 mẫu bao thuốc lá điếu cùng tồn tại, thứ nhất, loại có in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh theo quy định Thông tư liên tịch 05 do Bộ Công Thương và Bộ Y tế ban hành ngày 8/2/2013. Thứ hai, loại có in cảnh báo sức khỏe bằng chữ là hàng tồn kho và loại không có in cảnh báo hoặc cảnh báo bằng tiếng nước ngoài, loại thuốc này chủ yếu là hàng nhập lậu. Thực tế, việc áp dụng Thông tư 05 đã có những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động sản xuất của các DN thuốc lá như: Tăng chi phí đầu vào của các DN sản xuất. Tuy nhiên vì sức khỏe người tiêu dùng, DN sản xuất thuốc lá đã chấp hành việc giảm lãi khi thay đổi mẫu mã sản phẩm. Nhưng việc một số đầu nậu kinh doanh thuốc lá lợi dụng quy định này để kinh doanh thuốc lá mẫu mã cũ, gia tăng buôn lậu thuốc nhập ngoại đã gây khó khăn không nhỏ cho DN. Số liệu của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho thấy, từ khi các DN sản xuất thuốc lá in cảnh báo bằng hình ảnh, lượng thuốc lá nhập lậu tăng mạnh. Trong 4 tháng đầu năm 2014 lượng thuốc lá lậu tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2013, khiến sản xuất thuốc lá trong nước đã giảm 9%, tương đương thất thu ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng. Ông Phạm Kiến Nghiệp - Tổng Thư ký VTA cho biết: VTA sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra, tịch thu toàn bộ các sản phẩm thuốc lá không in hình ảnh cảnh báo, xử lý nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm quy định này. Ông Đỗ Thanh Lam - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công Thương cho biết: Cục QLTT đã nhận được phản ánh về tình trạng đầu cơ, tích trữ sản phẩm thuốc lá điếu không in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh để trục lợi, trong đó có cả DN tiếp tục sản xuất chui loại thuốc lá không in cảnh báo hình ảnh để kiếm lời… Để ngăn chặn tình trạng này, Cục QLTT đã yêu cầu chi cục QLTT các địa phương, tổ cơ động của Cục QLTT đẩy mạnh việc kiểm tra thị trường, xử lý triệt để tình trạng thuốc lá không có hình ảnh cảnh báo lưu thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cơ quan quản lý không sớm hoàn thiện các chính sách đồng bộ, lực lượng chức năng, nhất là quản lý thị trường không vào cuộc quyết liệt, thì “cuộc chiến” chống thuốc lá lậu vẫn khó khả thi.