Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị "Chắp nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn với các kênh phân phối hàng hóa nội địa truyền thống và hiện đại khu vực phía Bắc" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 19/12.
Nhiều vướng mắc
Đánh giá của Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) cho thấy, do hệ thống bán lẻ còn nhiều yếu kém nên sản phẩm công nghiệp nông thôn đang rất thiếu đầu ra. Hiện, cả nước có gần 3.000 làng nghề, nhưng chỉ 12% kết nối thành công với các hệ thống phân phối, khoảng 40 - 50% không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm may mặc tại Siêu thị Hapro.Ảnh: Minh Ngọc
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có trên 7 triệu dân nhưng chỉ có 20 trung tâm thương mại, 128 siêu thị và 414 chợ. Trong khi theo tiêu chuẩn, với quy mô dân số như vậy, lượng siêu thị, chợ phải tăng gấp đôi. Mặt khác, tình trạng mất cân đối cung cầu trong sản xuất và phân phối cũng dẫn đến hiện tượng khi đàm phán đưa hàng vào kinh doanh tại các hệ thống phân phối, nhà sản xuất thường bị yếu thế so với nhà bán lẻ.
Nhiều DN sản xuất công nghiệp nông thôn có chung ý kiến: Các thủ tục ký hợp đồng, thanh toán do các nhà phân phối quy định còn khá ngặt nghèo và xa lạ với người dân vùng nông thôn. Theo bà Hạ Hồng Nhung, Giám đốc bán hàng của Công ty CP bánh kẹo Tràng An, hiện chi phí kinh doanh ở kênh bán hàng thông qua hệ thống siêu thị khá cao, thông thường chiết khấu siêu thị là 13%, thêm vào đó là 10% lợi nhuận siêu thị; tổng cộng là 23%. Chính vì vậy, DN phải đẩy giá bán sản phẩm ở siêu thị cao hơn kênh truyền thống. Hệ quả là doanh số thấp, gây áp lực không nhỏ đối với DN.
Tuy nhiên, nhiều DN phân phối cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc một số sản phẩm công nghiệp nông thôn chưa được chấp nhận tại các siêu thị đó là không đảm bảo được nguồn hàng thường xuyên; Nhiều DN chưa đảm bảo quy trình chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký tem nhãn, quan trọng hơn cả là những sản phẩm này chưa chú trọng xây dựng thương hiệu nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Làm gì để gỡ khó
Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam, để sản phẩm công nghiệp nông thôn có mặt tại hệ thống bán lẻ hiện đại, DN sản xuất nên tham vấn ý kiến của DN bán lẻ trước khi đưa ra thị trường sản phẩm mới, bởi DN bán lẻ nắm rõ thị hiếu của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc hệ thống Siêu thị Big C cho rằng, để DN sản xuất và phân phối có thể hợp tác tiêu thụ sản phẩm, bản thân sở công thương các tỉnh phải có nhiệm vụ liên kết giữa các DN với các hệ thống phân phối, tạo điều kiện cho hai bên có nhiều cơ hội tiếp cận, tránh tình trạng hàng sản xuất rất tốt nhưng lại không tìm được đầu ra hoặc phải qua quá nhiều tầng nấc trung gian làm đội giá sản phẩm.
Nhiều đại biểu kiến nghị, trong thời gian tới hoạt động khuyến công cần tập trung vào các làng nghề truyền thống và sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng miền, từ đó xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương nên tăng cường phát triển hệ thống phân phối bán lẻ, từ đó tạo đầu ra cho sản phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành công thương cũng như sự "vào cuộc" của DN phân phối, bản thân các DN sản xuất phải chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt, các DN luôn phải quan tâm đến xây dựng thương hiệu, bởi khi hàng vào siêu thị bắt buộc phải có thương hiệu và có kiểm định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi hệ thống phân phối chưa theo kịp sự phát triển và tăng trưởng của sản xuất, chất lượng và thương hiệu là một trong những "chìa khóa" giúp hàng hóa được các kênh phân phối hiện đại chấp nhận tiêu thụ.