KTĐT - Từ tuyển người có tay nghề, nhiều doanh nghiệp đã dần dần hạ chuẩn bằng cách tuyển phần lớn lao động chưa biết gì về nghề để tự đào tạo, dù phải mất thêm chi phí. Nhưng tình hình cũng chưa mấy khả quan.
Không chỉ các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp lớn tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... than thiếu lao động, mà ngay tại vùng đất lúa miền Tây vốn thừa mứa lao động nông nhàn, các doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Ngày càng tệ
Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko (Cần Thơ), nói rằng đã nhiều năm nay tình trạng khan hiếm lao động ở công ty vẫn chưa chấm dứt. Mới đây, do mở thêm hai dây chuyền may mới, cần bổ sung gấp lao động, công ty buộc phải “chiêu dụ” công nhân bằng cách chi hỗ trợ 2 triệu đồng phụ cấp cho mỗi công nhân mới vào làm. “Tất nhiên, khi làm đến hết năm, họ mới nhận được khoản này, bởi nếu chi ngay thì biết đâu hôm sau họ đã... nghỉ!”, ông Gia nói. Dẫu vậy, công ty vẫn còn thiếu khoảng 100 lao động do một số công nhân cũ nghỉ việc...
Từ tuyển người có tay nghề, nhiều doanh nghiệp đã dần dần hạ chuẩn bằng cách tuyển phần lớn lao động chưa biết gì về nghề để tự đào tạo, dù phải mất thêm chi phí. Nhưng tình hình cũng chưa mấy khả quan.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, nhận định: “Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) hàng năm, các doanh nghiệp vùng ĐBSCL đều bị điểm thấp về phần lao động. Có doanh nghiệp kể rằng, hàng hóa vận chuyển ra đường thì phải đóng phí cầu đường, container... nhưng cũng mất chừng 100 triệu đồng/năm, trong khi chi phí đào tạo lao động tại chỗ hàng năm lại cao hơn nhiều”.
Tuyển người đã khó, giữ người ở lại thậm chí còn khó hơn. Ông Ngô Bửu Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Tây Nam Bộ, cho biết: “Đào tạo tại các trường nghề phần lớn tập trung vào lý thuyết, nên có trường hợp một thợ mộc “ra trường” hẳn hoi mà không biết sử dụng máy chà nhám. Nhưng nếu chúng tôi bỏ kinh phí, công sức để huấn luyện cho họ thành thạo thì họ lại đi nơi khác”.
Trong kết quả điều tra PCI hàng năm, điểm số của chỉ số đào tạo lao động đã tụt giảm trầm trọng. Năm 2009, Tiền Giang dẫn đầu về chỉ số này với điểm số 5,34, trong khi hồi năm 2007, điểm số của tỉnh dẫn đầu là Vĩnh Long lên đến 8,05.
Trong khi đó, theo VCCI chi nhánh Cần Thơ, nếu cải thiện một điểm trong chỉ số đào tạo lao động sẽ giúp tăng 30% số doanh nghiệp/1.000 dân và tăng 47% mức đầu tư bình quân đầu người.
Tại cả đôi bên?
Thiếu lao động là có thực, nhưng điều nghịch lý là doanh nghiệp còn thờ ơ trong việc giải quyết tình trạng này. Ông Châu Hồng Thái, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, dẫn chứng: “Vì sao, như Cần Thơ hàng năm bỏ ra khá nhiều tiền để tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí gắn với giải quyết việc làm, trong đó có khá nhiều lớp dạy nghề ưu đãi mà doanh nghiệp có thể tận dụng để đào tạo gắn với tuyển dụng, nhưng chưa nhiều doanh nghiệp hưởng ứng?”.
Ở Cần Thơ hiện có 58 cơ sở dạy nghề, hàng năm có thể đào tạo từ 25.000-30.000 lao động, nhưng chỉ khoảng 10% trong số này có việc làm tại các doanh nghiệp!
Ông Dũng cũng thừa nhận, doanh nghiệp nào cũng than thiếu lao động, nhưng tại các cuộc họp, hội thảo bàn những giải pháp khắc phục lại không nhiều doanh nghiệp đến dự.
Một phần nguyên nhân khiến doanh nghiệp nản lòng, theo VCCI chi nhánh Cần Thơ, là do chất lượng đào tạo lao động ở vùng ĐBSCL chỉ ở mức trung bình của cả nước. Chương trình đào tạo mất cân đối, nặng về lý thuyết, nên theo ông Ngọc, hầu như doanh nghiệp đều phải bỏ công đào tạo lại nếu nhận vào.
Do đó, có một thực tế là doanh nghiệp thích nhận lao động không có tay nghề, trả lương thấp thay vì trả lương cao để nhận lao động có bằng cấp nhưng cũng phải... đào tạo lại như nhau. Thậm chí có một vài doanh nghiệp, luôn tuyển người mới để trả lương thử việc rất thấp, sau đó tìm cách cho nghỉ và lại tuyển mới.
Theo số liệu của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, trong quí 2-2010, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại Cần Thơ qua khảo sát lên khoảng 4.100 người, tuy nhiên họ cần đến 2.700 người là lao động chưa qua đào tạo. Còn hồi quí 1- 2010, các doanh nghiệp đã tuyển 3.435 lao động nhưng cùng lúc cũng có 4.735 lao động xin nghỉ hoặc bị sa thải...
“Một trong những vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp chưa quan tâm chính sách liên kết với các trường nghề trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện thực tập, phát triển nghề nghiệp cho công nhân. Và sức lao động chưa được trả giá cao. Có công nhân được trả 100 đô la Mỹ/tháng, nhưng luôn bị “vắt” kiệt sức”, bà Nguyễn Mỹ Loan, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Cần Thơ, nêu lý do.
Ông Gia cũng thừa nhận, mức lương trả cho công nhân có thể còn thấp, nhưng tăng như thế nào là tùy vào sức của mỗi doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp chuyên làm hàng gia công, nguyên liệu gần như nhập khẩu 100% nên phải tiết kiệm... Như Công ty cổ phần May Meko, lương công nhân mới vào khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, còn công nhân có tay nghề bình quân khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Bà Loan ví von rằng, bao giờ một thợ sửa ống nước riêng cho một khu chung cư mà sống được bằng lương, thì sẽ không ai băn khoăn vì việc không có bằng đại học. Giảm tình trạng trả lương theo bằng cấp, tức sẽ giảm được tình trạng vào đại học bằng mọi giá và lượng người tham gia các trường nghề sẽ tăng, khắc phục dần tình trạng thiếu lao động. Tất nhiên, ngay chính các trường nghề cũng phải đổi mới chương trình giảng dạy, người lao động có tác phong chuyên nghiệp hơn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.