Thiếu minh bạch trong điều hành xuất khẩu gạo

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương cho phép xuất khẩu (XK) gạo trở lại của Chính phủ đã được cộng đồng DN và người nông dân hồ hởi đón nhận. Tuy nhiên, ngay sau khi mở cửa thị trường vào ngày 12/4, đã có nhiều tiếng kêu ca, phàn nàn về việc ngành hải quan không minh bạch trong việc mở tờ khai XK gạo lúc “0 giờ”, phân bổ hạn ngạch... không đều.

 Kho gạo xuất khẩu của Tổng Công ty lương thực miền Bắc. Ảnh: Lê Nam

Doanh nghiệp chồng chất khó khăn
Mới đây nhất, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành về việc khai báo hải quan XK gạo của 41 DN hội viên VFA. Theo phản ánh của DN, việc đăng ký tờ khai triển khai lúc 0 giờ ngày 12/4 nhưng trước đó họ không nhận được thông tin từ bất cứ cơ quan nào thông báo cho họ. Do đó, khi DN đi làm tờ khai XK gạo thì bị từ chối vì hết hạn ngạch. Đặc biệt có DN còn tố việc một số DN chỉ làm tờ khai để giữ chỗ nhưng chưa có gạo XK.

Trong khi DN Việt Nam gian nan với hoạt động XK gạo đại trà thì gạo Campuchia và Thái Lan đã đĩnh đạc lên kệ các siêu thị của các nước văn minh và phát triển.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh

Nói về việc mở cổng khai báo hải quan điện tử XK gạo, nhiều DN cho rằng có sự bất thường, thiếu công bằng, minh bạch, rất có thể đã có “lợi ích nhóm” trong hoạt động này. Chủ tịch HĐQT Intimex Group Đỗ Hà Nam cho biết: Việc mở tờ khai điện tử XK gạo theo cách ai nhanh tay thì được thì chắc chắn sẽ có những DN chậm chân, không XK được. “Để minh bạch, rõ ràng, đề nghị cơ quan hải quan khi xác minh, cứ DN nào đăng ký tờ khai có số container, có tàu rõ ràng, có hàng thật thì cho thông quan. Còn nếu DN nào không có thì coi như tờ khai đó bị xóa” - ông Đỗ Hà Nam kiến nghị.
Đồng tình với kiến nghị này, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho rằng: Việc mở tờ khai điện tử và XK theo hạn ngạch sẽ mất nhiều thời gian thông quan, dẫn đến DN phải trả thêm kinh phí lưu kho bãi. Cụ thể, mỗi ngày 1 container gạo 25 tấn không XK được phải lưu kho, DN sẽ tổn thất khoảng 300.000 đồng bao gồm chi phí lưu hàng tại cảng, lãi suất ngân hàng.... hiện Hapro cũng đang lưu kho 3.000 tấn gạo, mỗi ngày thiệt hại khoảng 36 triệu đồng. Nếu số lượng gạo lưu ở cảng lên đến 300.000 tấn thì ngành lúa, gạo Việt Nam tiếp tục mất đi 50 tỷ đồng/ngày.
Mở lối thoát cho doanh nghiệp
Để tạo điều kiện cho DN XK gạo, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần “tạm ứng” trước hạn ngạch XK tháng 5 để giúp các DN hạn chế tối đa thiệt hại. Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, sau khi nhận được nhiều phản ánh của DN về ách tắc trong XK gạo, VCCI đã có văn bản số 0499/PTM-PC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ứng trước hạn ngạch của tháng 5 ưu tiên giải quyết toàn bộ số gạo tồn đọng tại các cảng qua đó giúp DN tránh được tổn thất và vẫn tiếp tục mua được lúa cho nông dân. “Việc phân bổ hạn ngạch XK nếu vẫn làm theo cách cũ cần thông tin rõ ràng về thời gian mở tờ khai và khống chế số tờ khai hải quan đối với mỗi DN, để tránh tập trung vào một số đơn vị” - ông Tuấn nói.
Để bảo đảm công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng gạo XK và tháo gỡ khó khăn cho DN XK gạo, mới đây Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Thủ tướng cho XK các lô gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 4/2020, số lượng gạo XK sẽ trừ vào hạn ngạch XK. Ngoài ra kiến nghị Thủ tướng phê duyệt số lượng gạo được phép XK (không bao gồm gạo nếp) và định hướng lộ trình, tiến độ XK, giao Bộ Công Thương lựa chọn phương án tối ưu để trình Thủ tướng phê duyệt. Cụ thể, Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá công khai hạn ngạch XK gạo và chia thành các gói đấu giá tương tự như việc đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường đã được Bộ Công Thương triển khai. Từ đó, Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch XK gạo cho các DN đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên sau khi chấm dứt dịch bệnh Covid-19, nếu cung - cầu lương thực trong nước ổn định thì cho phép các DN tiếp tục XK gạo, không áp dụng quản lý bằng hạn ngạch XK.
Từ vụ việc vừa qua có thể thấy, để minh bạch trong XK gạo, Tổng cục Hải quan cần công khai, minh bạch về thời gian mở hệ thống khai hải quan, có văn bản triển khai cụ thể tới Cục Hải quan địa phương, Chi cục Hải quan cửa khẩu và thương nhân. Nếu làm tốt việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho DN trong XK gạo và sẽ không còn những lời kêu ca không đáng có.
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3083/VPCP-KTTH, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu ý kiến của VCCI về việc tháo gỡ khó khăn XK gạo báo cáo Thủ tướng trong ngày 20/4 và báo cáo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho XK gạo, dự kiến diễn ra sáng 20/4.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần