Thành và bại
Không phủ nhận, văn học chính là "cánh tay phải" của điện ảnh ở khâu kịch bản. Trong tình trạng khan hiếm kịch bản hiện nay, cộng thêm tác động của nhịp sống thời hiện đại, sự xuất hiện của các tác phẩm văn học ngày càng đậm đặc trên màn ảnh. Người ta đã tính toán và chỉ ra rằng, trung bình mỗi người chỉ có thể dành 1 đến 2 giờ mỗi ngày cho việc đọc. Để đọc một cuốn sách từ 80.000 đến 120.000 từ, phải mất từ 10 đến 12 giờ. Trong khi đó, để lĩnh hội nội dung tác phẩm đó, công chúng chỉ cần bỏ ra 90 phút để xem một bộ phim. Mà nghệ thuật điện ảnh luôn có lợi trong việc khơi gợi cảm xúc khi có sự hỗ trợ của âm thanh, hình ảnh… Thế nên, chuyển thể tác phẩm từ sách lên màn ảnh đang đầy lợi thế trong bối cảnh hiện tại. Có lẽ vì vậy mà cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư… đã lên màn ảnh, ngay sau khi hiệu ứng từ tác phẩm văn học lan tỏa trong công chúng. Có lẽ vì thế mà Đặng Nhật Minh, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Thanh Vân, Phạm Nhuệ Giang, Đào Bá Sơn…, những đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Việt thường xuyên chọn đề tài từ tác phẩm văn học cho bộ phim của mình.
Song không phải lúc nào lợi thế của điện ảnh cũng mang lại thành công cho đạo diễn. Không ít khán giả tỏ bày sự phẫn nộ sau khi xem bộ phim được chuyển thể nội dung từ cuốn tiểu thuyết gối đầu giường. Bởi sự hạn chế về mặt thời gian, không gian của một bộ phim đôi khi như rào cản sức tưởng tượng mà người ta dễ tìm thấy khi đọc. Việc chuyển tải nội dung 300 đến 500 trang của câu chuyện trong 2 giờ đồng hồ, chỉ bằng lời thoại, không phải là điều dễ. Thế nên nhiều tác phẩm điện ảnh đã "phá hỏng" tác phẩm văn học, điển hình trong số đó có trường hợp "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, hay cuốn tự truyện "Người tình" của nhà văn Pháp gốc Việt Magarriet Duras…
Nêm “gia vị” vừa đủ
Trên thực tế, không chỉ những tác phẩm lừng lẫy trên văn đàn khi lên màn ảnh trở thành những siêu phẩm điện ảnh, mà ngay cả một vài tiểu thuyết có số lượng độc giả trung bình cũng có thể gặt hái được thành công khi dựng thành phim. Bởi tác phẩm văn học gặp được bàn tay xào xáo khéo léo của biên kịch, đạo diễn, quay phim... "Việc quyết định giữ lại hay bỏ đi những gì trong tiểu thuyết cần đến những cái đầu biết tính toán và hiểu người đọc của các nhà làm phim. Cứ ví điện ảnh là cái máy xay sinh tố, cuốn sách là tất cả những loại gia vị cần thiết. Người biên kịch cần phải biết nên cho những gì, cho tỷ lệ như thế nào để cho cốc sinh tố không loãng, không đặc, không nhạt quá, cũng không ngọt quá" - nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn chia sẻ.
Một bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết thì gần như giữ cốt truyện, song sự sáng tạo của đạo diễn, biên kịch trên nền cốt truyện ấy không nhỏ. Sự sáng tạo đã làm cho không ít cuốn sách hay hơn và nổi tiếng hơn, điển hình như cuốn hồi ký "Nghệ sĩ dương cầm" của tác giả người Do Thái Wladyslaw Szpilman. Cuốn sách vốn rất bình thường, chỉ là câu chuyện về trải nghiệm cá nhân của một người, nhưng khi lên phim đã thành tác phẩm điện ảnh lớn. Ngược lại "Lolita" của Vladimir Nabokov lại thất bại khi được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Thế nên nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn khẳng định: "Sự thành công hay thất bại của việc chuyển thể từ sách lên màn ảnh phụ thuộc rất lớn vào việc nêm "gia vị" của nhà biên kịch và đạo diễn, bên cạnh đó là cái tài của diễn viên".