Tuy nhiên, để 54 dân tộc anh em có khách và hoạt động theo đúng nghĩa, thì vẫn cần còn những điều phải bàn.
Chỉ rôm rả kỳ cuộc
Nhân kỷ niệm 5 năm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2014, Làng VHCDT Việt Nam có thể cộng thêm vào bảng thống kê hàng vạn lượt khách nhờ vào chuỗi hoạt động đón Tết của người Khmer. Bởi, lần đầu tiên Tết Chôl Chnăm Thmây sẽ được tổ chức tại quần thể chùa Khmer, Làng VHCDT Việt Nam theo đúng phong tục của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Điều này sẽ giúp cho những người con của dân tộc Khmer Nam Bộ đang sinh sống, công tác, học tập tại Hà Nội và các tỉnh lân cận có điều kiện được tham dự và đón Tết cổ truyền của dân tộc mình. Ngoài ra, từ ngày 15 - 20/4, không gian văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam sẽ được giới thiệu tới đồng bào và du khách với những nét ẩm thực tiêu biểu của các vùng Bắc, Trung, Nam, trong đó điểm nhấn là ẩm thực các dân tộc Thái, Mường, Mông, Kinh, Hoa, Khmer… hứa hẹn hấp dẫn du khách.
Biểu diễn múa Sạp tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thanh Hoa
|
Mục đích ra đời của Dự án xây dựng Làng VHCDT Việt Nam là biến nơi đây thành trung tâm hoạt động VHTT&DL mang tính quốc gia, nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Mỗi con người, mỗi dân tộc sẽ là nhân vật chính, chung tay xây dựng ngôi làng chung của 54 dân tộc anh em. Tương lai, Làng VHCDT Việt Nam sẽ thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan. Theo con số thống kế của Ban Quản lý, năm 2012, Làng VHCDT Việt Nam thu hút được hơn 20.000 lượt khách đến tham quan, đến năm 2013 con số này tăng lên gấp đôi. Nhìn vào bảng thống kế đó tưởng như là dấu hiệu đáng mừng của dự án có kinh phí đầu tư 3.200 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, lượng khách hàng chục ngàn lượt người đến với Làng VHCDT Việt Nam chỉ tập trung vào các dịp "xuân thu nhị kỳ", nhân hoạt động chào mừng Ngày Đại đoàn kết toàn dân hoặc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang chuẩn bị diễn ra. Ngược lại, đến với Làng VHCDT Việt Nam vào những ngày không có lễ hội, bao trùm lên quần thể văn hóa, thể thao du lịch rộng hơn 1,5 ngàn héc ta là cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Nhiều công trình như quần thể tháp Chăm, ngôi chùa Khmer hoặc ngôi nhà của người Ba Na, Cơ Tu, Chứt, Pupéo đều hoang vắng. Rất hiếm khi thấy bóng người xuất hiện tại các công trình này. Nhiều lắm là vài ba cặp cô dâu, chú rể đến đây chụp ảnh cưới.
Chờ quy chế phối hợp
Vẫn biết, đến năm 2015, Dự án xây dựng Làng VHCDT Việt Nam mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Ban Quản lý Làng VHCDT Việt Nam, hiện nay, dự án còn thiếu một đề án nội dung gồm những mục chính như: Ca vũ, lễ hội và trò chơi của các dân tộc; trang phục dân tộc; ngôn ngữ, giao tiếp; ẩm thực dân tộc. Để những nội dung này trở nên sinh động, bắt buộc phải có sự hiện diện của chủ thể văn hóa - đồng bào dân tộc. Nếu không có chủ thể văn hóa, mọi thứ đều chỉ để trưng bày. Nhưng để chủ thể văn hóa có mặt tại làng lại không phải là chuyện dễ. Mọi thứ liên quan từ kinh phí đi lại, tiền ăn, nơi ở đều phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Và cũng không phải là dễ để cư dân của bất kỳ một dân tộc nào bỏ nhà bỏ cửa nơi đang sinh sống để đến tái định cư tại Làng, trong khi tương lai sinh sống tại nơi ở mới chưa hứa hẹn những điều tốt đẹp.
"Đưa đồng bào dân tộc về hoạt động thường xuyên tại Làng VHCDT Việt Nam là công việc cốt lõi của Làng. Bộ VHTT&DL đang chỉ đạo Ban Quản lý Làng VHCDT Việt Nam xây dựng Quy chế phối hợp với bộ, ngành, địa phương để đưa đồng bào các dân tộc về sinh sống thường xuyên, tái hiện các hoạt động tại nơi đây". Và để người dân luôn luôn "tắm" trong không khí lễ hội, được thưởng thức các giá trị văn hoá đặc sắc của tất cả các dân tộc anh em như mục tiêu đề ra của dự án mà Chính phủ phê duyệt xem ra vẫn là niềm mơ ước." - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn |