Công trình nghiên cứu về chiết xuất tinh chất nghệ chữa dạ dày của Viện Y học cổ truyền là một ví dụ. Mặc dù được đánh giá cao về tính ứng dụng nhưng để triển khai sản xuất đại trà, đơn vị cần kêu gọi các nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, vì là công trình mới, rủi ro cao nên đơn vị khó tìm nhà đầu tư. Không có tiền, nghiên cứu đứng trước nguy cơ cất vào... ngăn kéo. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều DNNVV khi mới hình thành. Để không lãng phí nguồn lực, chảy máu chất xám, thời gian tới yêu cầu đặt ra là cần có quỹ bảo lãnh cho những DN đang trong tình trạng tương tự trên. Thực tế các quỹ hỗ trợ, quỹ bảo lãnh DNNVV tại các địa phương đã được hình thành nhưng hiện vẫn hoạt động thiếu hiệu quả. Cả nước hiện có khoảng 14 địa phương có quỹ hỗ trợ DNNVV và một vài quỹ ở T.Ư. Nhiều địa phương vừa có quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, vừa có quỹ đầu tư và phát triển hỗ trợ khối này. Tuy nhiên, trong khi không ít DNNVV thiếu tài sản thế chấp thì các quỹ bảo lãnh DN ở cả T.Ư và địa phương lại hoạt động thiếu hiệu quả với các điều kiện bảo lãnh ngặt nghèo, thậm chí cao hơn điều kiện để vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Ở góc độ khác, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31/5/2016, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng đối với DN tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực DN tư nhân chiếm tỷ trọng dư nợ tín dụng lớn nhất 75%. Tuy nhiên, DNNVV vẫn khó tiếp cận vốn cũng có nguyên nhân từ chính bản thân DN khi nhiều DN hoạt động chưa thực sự hiệu quả, hàng tồn kho cao, công nợ lớn, sức cạnh tranh yếu, năng lực quản trị thấp, thiếu minh bạch thông tin, thiếu tài sản đảm bảo… Ngoài ra, việc ngân hàng chủ yếu huy động được vốn ngắn hạn cũng khiến họ gặp khó trong cân đối nguồn vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn cho vay các dự án lớn. Bên cạnh đó, quy trình thu nợ cũng đang còn nhiều tồn tại cần khắc phục khi mà phần lớn vẫn thông qua khởi kiện. Điều này khiến quá trình xử lý kéo dài, giá trị tài sản đảm bảo của ngân hàng vì thế bị sụt giảm mạnh. Chính vì thế, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ vốn của quỹ phát triển DNNVV là đề xuất được nhiều DN quan tâm. Kiện toàn, gom các quỹ này lại thành một kênh bảo lãnh đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đặc biệt, cần có sự giám sát của cộng đồng DN để hoạt động của Quỹ thực sự đi vào cuộc sống. NHNN mới đây đã có kiến nghị Chính phủ cần sửa đổi, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh vay và hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển DNNVV phù hợp với thực tiễn. Điều này không chỉ thể hiện vai trò quyết định của Nhà nước trong hỗ trợ DNNVV mà còn giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp hỗ trợ, khuyến khích đưa các công trình nghiên cứu của DN vào ứng dụng thực tế giúp hạn chế những dự án “cất ngăn kéo”.