Nhiều mô hình hiệu quả cao
Khu trang trại chăn nuôi tập trung của HTX Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai khá khang trang, hiện đại trên quy mô diện tích 2,2ha, trong đó diện tích chuồng trại 1ha. Đây cũng là một trong những cơ sở đi đầu áp dụng mô hình "chung cư lợn" ở Hà Nội, tức là nuôi lợn trên nhà cao tầng, đi thang máy. Anh Nguyễn Trọng Long, đại diện HTX cho biết, hiện chuồng trại nuôi của HTX khoảng 450 con lợn nái, 3.600 con lợn thịt. Sản lượng thịt năm 2013 đạt 800 tấn, doanh thu gần 40 tỷ đồng, tương đương 30% tổng doanh thu của toàn xã Tân Ước.
Tương tự, tại xã Liên Châu, vài năm trở lại đây, các mô hình chăn nuôi vịt kết hợp với nuôi trồng thủy sản đang phát triển khá mạnh mẽ. Toàn xã hiện có 109ha đất chuyển đổi từ cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản, kinh tế trang trại, năng suất thủy sản nuôi nhiều hộ đạt 10 tấn/ha/năm. Trong năm 2012 và 2013, xã Liên Châu đã xây dựng được mô hình nuôi thâm canh cá chép lai với diện tích 16ha, năng suất đạt 10,5 tấn/ha. Bình quân thu nhập trên vùng chuyển đổi ở xã Liên Châu đạt hơn 350 triệu đồng/năm. Đặc biệt hiện nay, huyện Thanh Oai đang kết hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ trứng vịt Liên Châu để giúp các hộ nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo UBND huyện Thanh Oai, thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị canh tác và thu nhập cho người dân. Trong 3 năm qua, huyện đã triển khai xây dựng vùng lúa hàng hóa chất lượng cao đạt hơn 3.800ha, chiếm 9,5% diện tích cấy lúa toàn huyện, tập trung ở các xã Thanh Văn, Tam Hưng, Mỹ Hưng, Đỗ Động... Ngoài ra, các vùng cây ăn quả đã được hình thành và đem lại giá trị cao từ 600 - 700 triệu đồng/ha như vùng trồng cam Canh ở xã Cao Viên 29ha, Kim An 40ha...
Thiếu nguồn lực để nhân rộng
Mặc dù nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, song thực tế việc triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện Thanh Oai đang gặp không ít khó khăn. Trong đó, hạ tầng cơ sở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Ông Đỗ Hùng Cường - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Kim An chia sẻ, để phát triển cây ăn quả, cần được quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tốt, nhất là lưới điện phục vụ sản xuất. "Hiện nay, vùng bãi của xã không thể sử dụng hệ thống bơm từ kênh mương mà phải sử dụng nước giếng khoan ngầm. Nhưng hệ thống lưới điện lại chưa đáp ứng yêu cầu nên có hộ gia đình phải kéo điện từ 500 - 700m để bơm nước" - ông Cường nói.
Ngoài ra, người nông dân cũng cần được hỗ trợ tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất. Đặc biệt, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn bởi thủ tục rườm rà, yêu cầu và lãi suất cao. Do đó, cần hỗ trợ người dân tiếp cận với các gói tín dụng lãi suất thấp để có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng kiến nghị huyện, TP có cơ chế hỗ trợ xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, đảm bảo ATTP, tạo điều kiện cho chăn nuôi tập trung phát triển.
Ông Nguyễn Hồng Yên - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, trong năm 2014, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ một số giống lúa có năng suất, chất lượng cao cho nông dân. Đồng thời hỗ trợ cho các HTX Nông nghiệp mua máy móc, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất ở cả 4 khâu làm đất, gieo cấy, phun thuốc, gặt đập liên hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, cây ăn quả, từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo kế hoạch. Ông Yên cũng đề nghị TP tăng cường đầu tư các dự án cho nông nghiệp như hỗ trợ lãi suất vốn vay, tiêu thụ sản phẩm...
Người nuôi trồng thủy sản xã Liên Châu, huyện Thanh Oai kiểm tra vật nuôi. Ảnh: Quang Thiện
|